Sunday, June 14, 2015


Vương Thúy KiềuNàng là ai: Trâm Anh hư ảo hay Kiều Nữ đa tài?

Thưởng thức âm giai thi thơ hình như tùy thuộc hoàn toàn vào cảm xúc (phản ứng tâm sinh lý và tình cảm) cá nhân.  Nhiều độc giả có thể thưởng lãm thơ bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu, bất cứ trong tình cảnh nào.  Tôi thì chỉ thích đọc thơ khi cảm thấy hoàn toàn thanh thản để có thể tận hưởng được trọn vị ngọt ngào hay chất cay đắng quấn luyến giữa các vần thơ.

“Đêm khuya gió lọt song đào.Một vành trăng khuyết, ba sao giữa trời”Đoạn Trường Tân Thanh (ĐTTT)

Nếu không thanh thản để ngẩm nghĩ về ẩn ý thì câu thơ này có thể chỉ được hiểu là cảnh tả trăng sao thanh tú thơ mộng về đêm hay hơn nữa là sự tương tư của nàng Kiều.  Nhưng chỉ như vậy thôi thì thật là uổng công hạ bút kết từ đan chữ bằng thơ một cách kỳ diệu của cụ Nguyễn Du để minh họa tài tình chữ Tâm    trong câu “Một vành trăng khuyết, ba sao giữa trời.

Phải chăng Vương Thúy Kiều nhớ về chàng nho sinh tên Thúc Thủ tự là Kỳ Tâm (thường được viết là Thúc sinh)?  Lý luận này có phần đúng vì nếu đi ngược dòng thơ về lúc chia tay, Thúc Kỳ Tâm và Vương Thúy Kiều mỗi người giữ một nữa vành trăng thương nhớ.

“Người về chiếc bóng năm canh,Kẻ đi muôn dặm một mình xa xôiVầng trăng ai xẻ làm đôi,Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường.” (ĐTTT)
Nhưng có thật nàng Kiều nhớ thương mối tình với Thúc Thủ hay không?  Theo cảm tưởng của tôi, Thúc Thủ chỉ “một tỉnh mười mê .. miệt mài trong cuộc truy hoan” chứ không thật sự yêu thương Thúy Kiều.  Thúc Thủ chỉ đắm đuối với tấm thân ngà ngọc của Kiều, và trong Đoạn Trường Tân Thanh hình như chỉ có Thúc Thủ mới bày tỏ cách nhìn đầy vẽ phong lưu về Thúy Kiều Rõ màu trong ngọc trắng ngà! Dày dày sẵn đúc một tòa thiên nhiên.”

Nhưng đam mê nhục dục không là phải tình yêu chân thật và vì không thật sự yêu cho nên Thúc Kỳ Tâm không đủ can đảm làm đàn ông đúng nghĩa để che chở cho Thúy Kiều trong cái xã hội chồng chúa vợ tôi.  Do đó theo thiển ý của tôi, cụ Nguyễn Du vốn nghĩ “chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài” đã minh triết là Vưong Thúy Kiều nhớ đến cái tâm lạ thường (Kỳ Tâm) của Thúc Thủ đã cứu nàng ra khỏi chốn lầu xanh chớ không phải cái tình của một gã phong lưu.

“Đoạn trường Tân Thanh” của cụ Nguyễn Du (1765-1820) được một số học giả tán thưởng là      tác phẩm độc nhất vô nhị trong nền văn học Việt Nam “.. trước truyện Kiều không có sách gì hay bằng truyện Kiều, mà sau truyện Kiều cũng không có sách gì hay hơn truyện Kiều nữa..” (mặc dầu Kim Vân Kiều truyện không có giá trị văn chương quan trọng tại quê quán Trung quốc).  Rất nhiều học giả thâm thúy cũng như bình luận gia tài tử đã phân tích chuyện Kiều từ quan điểm văn hóa, xã hội đến tôn giáo, tâm lý và cả môi trường thiên nhiên như bàiCác Hệ Sinh Thái trong Truyện Kiều của Thái Công Tụng đăng trong Tạp Chí Ngọn-Đuốc số Xuân Ất Mùi 2015 do ông bạn tri âm lâu đời của tôi, Giáo sư Thiên Phúc Vũ Tiến Phúc ở Montreal gởi tặng.  Ngay cả trên bình diện chính trị cũng thấyĐoạn Trường Tân Thanh bị trùm ý cải tạo, Vũ Quốc Thúc đặt vấn đề về chiến lược trí thức vận trong bài “Vương Thúy Kiều: một lợi khí dân vận của Triều Nguyễn?” trong khi Xuân Diệu đem chủ nghĩa Mác-Lênin bắt nàng Kiều phải viết “bản cáo trạng xã hội.”

Truyện Kiều có tên là Đoạn trường Tân Thanh  (斷腸新聲).  Chỉ riêng cái tên của truyện Kiều riêng thôi cũng có nhiều tranh cãi. Có tác giả lý luận là hai chữ “tân thanh” liên hệ đến nhạc phủ xưa của Trung quốc để ghép nghĩa thơ, nhạc (Tạp chí Văn Học số tháng 3/1999);  có người dịch là  Tiếng kêu đứt ruột mới  lại có vị diễn là Tiếng kêu mới đứt ruột cho đúng ngữ pháp tiếng Hán.  Cũng có nhà biến hóa theo nghĩa âm nhạc thành Khúc nhạc mới não lòng nghe cũng thật hay.
Đoạn Trường Tân Thanh dần dần trở thành tác phẩm thu hút nhiều sự chú ý trong dòng sông văn chương Việt Nam.  Các học giả uyên thâm như Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh đã nâng Đoạn Trường Tân Thanh thành một tuyệt phẩm “.. trước truyện Kiều không có sách gì hay bằng truyện Kiều, mà sau truyện Kiều cũng không có sách gì hay hơn truyện Kiều nữa..” (Phạm Quỳnh, Nam Phong tạp chí) hay“Truyện Kiều còn, tiếng ta còn. Tiếng ta còn, nước ta còn” (Phạm Quỳnh, 8-12-1924).

Có người khen Đoạn Trường Tân Thanh thì cũng có người phê phán.  Cụ Nguyễn Công Trứ gay gắt lên án Kiều: “Bạc mệnh chẳng làm người tiết nghĩa, Đoạn trường cho đáng kiếp tà dâm!”   Cùng lúc Phạm Quỳnh ca ngợi Đoạn Trường Tân Thanh thì cụ nghè Ngô Đức Kế nghĩ việc tân bốc này nguy hiểm cho vận nước bởi vì có hại cho thuần phong mỹ tục: “Vả dù sự tích ấy mà có thiệt đi nữa, thì một đôi thiếu niên nam nữ, đêm thanh người vắng, trèo tường trổ ngõ, ước hội chuyện trò với nhau, đối với phong hóa đạo đức đã là việc bất chính; mở đầu quyển sách như thế, dù sau có tô vẽ hiếu nghĩa gì đâu nữa cũng không đủ làm gương tốt cho đời” (9-1924). 

Cụ Huỳnh Thúc Kháng trong hai bài báo về Chánh học và tà thuyết (Tiếng dân, 9,10/1930) cũng phản đối phong trào sùng bái Đoạn Trường Tân Thanh vì có người cho Truyện Kiều là“quốc hồn, quốc tuý, là Thánh kinh, hiền truyện..” “Tôi bác Kiều là bác những kẻ tán dương điều tà, điều bất chính kia, chứ bản thân nó thế nào mặc kệ nó..  Tôi bác Truyện Kiều là bác sự tán dương những điều bất chính.”  Theo cụ Phan Khôi, ảnh hưởng của hai bài báo này đối với dư luận thời đó là “Nhất ngôn cư yếu” vô cùng sâu rộng khiến cụ Phạm Quỳnh “Đã có ý tự hối mà không còn có cái giọng hăng hái như trước, đủ rõ mãnh lực bài Chánh học có ảnh hưởng đến mức nào.”

Đoạn Trường Tân Thanh dẫu sao cũng đã len lỏi vào các sinh hoạt văn hóa và phát triển sâu rộng từ ngâm Kiều qua vịnh Kiều, đố Kiều, lẩy Kiều, bói Kiều, tập Kiều, v.v.  Không chỉ thường dân mà một số sĩ phu cũng như vua Minh Mạng, Tự Đức rất say mê truyện Kiều.  Trong lúc Pháp đoạt xong 6 tỉnh Nam phần qua hòa ước 1863 và dự tính xâm lăng Bắc Việt để tìm thương đạo vào Trung quốc, vua Tự Đức “thích kim đài các thừa nhàn hạ” (nay nhân rỗi việc triều đường) chính tay biên soạn “Ly ba chích thảo phân đề vịnh” (sửa sang chép lại)truyện Kiều và còn viết tới 20 bài thơ chữ Hán ca tụng Kiều. Nước mất là chuyện khó tránh!

Hay dỡ tốt xấu thế nào từ thể loại, ý tứ, cách cấu tạo câu, v.v., thì Đoạn Trường Tân Thanh vẫn là một thi phẩm văn hóa đặc sắc của Việt Nam không thể chối bỏ.  Hãy để các đại thi hào, các nhà bình phẩm văn chương, các vị thâm cứu thi sử tiếp tục thẩm định giá trị của Đoạn Trường Tân Thanh.  Tôi chỉ xin mời bạn cùng tôi lạc lối đi tìm hình bóng của nàng Vương Thúy Kiều, một mỹ nhân nổi tiếng trong câu chuyện đa tình đa cảm của cụ Nguyễn Du, để biết Vương Thúy Kiều có phải là nhân vật thật trong lịch sử hay chỉ là một trâm anh hư ảo được thế giới văn chương dàn dựng.
Qua các bài viết về Kiều, độc giả nhận thấy lập luận là cụ Nguyễn Du tác họa Đoạn trường Tân Thanh dựa trên tiểu thuyết Kim Vân Kiều Truyện (金云翘传)  là câu chuyện của 3 nhân vật chính Kim (Kim Trọng) Vân (Thúy Vân) Kiều (Thúy Kiều) do Thanh Tâm Tài Nhân sáng tác ở Trung quốc.  Học giả Phạm Quỳnh quả quyết: “Nguyên bộ tiểu thuyết Tàu mà cụ phỏng theo để đặt ra truyện Kiều đề là “Thanh Tâm tài nhân lục,” không biết rõ tác giả là ai, soạn vào đời nào, nhưng truyện với lời văn cũng tầm thường, ngoài mấy bài từ điệu có vẻ thanh tao lưu loát, không có đặc sắc gì..”

Kim Vân Kiều truyện bên Trung quốc chỉ là một tiểu thuyết truyền kỳ còn được biết đến với các tác danh như Song kì mộng (双奇梦), Song hợp hoan (双合và đâu phải chỉ có một mình Thanh Tâm Tài Nhân viết về nàng Vương Thúy Kiều.  Đi ngược dòng thời gian lịch sử thì thấy Chu Tiếp đã tả Vương Thúy Kiều trong tác phẩm Hồ Thiếu Bảo bình Oa chiến công. Hồ Khoáng cũng sáng tác văn phẩm Vương Thúy Kiều truyện. Đới Sĩ Lâm thì đổi thành Lý Thúy Kiều truyện.  Mỗi tác giả kế tiếp viết Truyện Kiều càng thêu dệt và đưa thêm vào nhiều nhân vật hư cấu với diễn biến tình khúc đa dạng hơn.

Khi Dư Hoài viết Vương Thúy Kiều truyện và Mộng Giác Đạo Nhân với Sinh báo Hoa Ngạc ân, tử tạ Từ Hải nghĩanàng Kiều lột xác từ kiếp cầm ca kĩ viện tầm thường để trở thành một kiều nữ với nhiều phẩm hạnh đôi khi còn cao hơn cả bậc trượng phu.  Theo thiển ý của tôi, điểm này chính là một ý tưởng cách mạng đặc sắc trong xã hội phong kiến trọng nam khinh nữ mà hình như không có nhànghiên cứu Kiều nào lưu ý đến (ngay cả Xuân Diệu vẫn mù tịt về khía cạnh này mặc dù đã hung hăn dùng ý thức hệ cộng sản để bắt nàng Kiều viết “bản cáo trạng xã hội .. đổ lên đầu tất cả những xã hội bóc lột áp bức, và tuyên bố: chúng ta là kẻ tử thù của những xã hội ấy” [1965]).

Nhân vật Vương Thúy Kiều của thế giới tiểu thuyết từ một cô gái tầm thường trong xã hội phong kiến xa xưa được thần tượng hóa dần dần thành một kiều nữ có nhiều nghĩa khí, trung tiết xứng đáng làm gương cho thiên hạ.  Theo các truyện kể trên thì Vương Thúy Kiều thuở nhỏ bị bán vào kĩ viện.  Cô được chuộc ra và sau được La Long Văn tặng cho tướng cướp Từ Hải.  Triều đình đem vàng bạc đút lót cho Kiều để nàng khuyên Từ Hải ra hàng.  Nhưng các câu chuyện kể trên kết thúc lúc Kiều trầm mình tự tử sau khi Từ Hải bị mưu hại.  Phải đợi tới nhiều năm sau này Kim Vân Kiều Truyện của Thanh Tâm Tài Nhân mới có đoạn đoàn tụ theo thuyết định mệnh tương tự như trong Đoạn trường Tân Thanh của cụ Nguyễn Du.

Giang Nam có một kỳ thoại khác mô tả Vương Thúy Kiều là kỹ nữ ở Hoa Nam bị hải tặc Nhật Oa khẩu bắt.  Oa khẩu liên kết với tướng cướp biển người Hán tên Từ Hải và Kiều trở thành phu nhân của tên này.  Từ Hải cùng Oa khẩu đem quân tấn công Chiết Giang.  Triều đình dụ hàng rồi giết Từ Hải.  Kiều trầm mình tự tử.  Kỳ thoại này lan rộng đến cả Nhật Bản và Đại Hàn biến thành giai thoại “tiểu kỹ phục Oa khấu.”

Vài tác giả đã dựa vào tiểu tiết truyền kỳ và tiểu thuyết hư cấu để mô tả “Vương Thúy Kiều (tiếng Trung: 王翠翹, ?-1556), người Lâm Truy, Sơn Đông (nay là Lâm Truy, Truy Bác, Sơn Đông).  Do phải trả nợ cho cha mẹ nên Kiều phải vào kĩ viện tại Lâm Truy, là danh kĩ Tần Hoài, sau gặp Từ Hải, khi đó là một tướng cướp trên biển, và trở thành vợ của ông này. Sau này nghe lời Hồ Tông Hiến khuyên Từ Hải quy hàng nhà Minh vào năm 1556. Sau khi quy hàng, Từ Hải bị Trần Đông bức bách, phải nhảy xuống nước tự tử. Vương Thúy Kiều bị quan binh nhà Minh giải về, đến sông Tiền Đường đã nhảy xuống nước tự tử.”  Rất tiếc là những tài liệu này không đặt căn bản trên sử liệu mà chỉ dựa trên tình tiết tiểu thuyết do đó thân thế Vương Thúy Kiều được trình bày mang tính giả tưởng hơn là sử ký.

Tình tiết truyền kỳ hay hư cấu không phải là sử liệu cho nên không thể tạo nền tảng cho sử luận.   Tuy vậy giai thoại đa dạng hay truyền thuyết phổ cập có thể chứa đựng một số sự kiện mà nhờ vào đó chúng ta dần dần lần mò ra manh mối. Truyện Kiều ngoài tình tiết đa dạng ly kỳ còn có bàn đến một sự kiện chính trị tầm vóc đó là cuộc nổi loạn của Từ Hải vốn đã khiến triều đình Trung quốc lao đao tìm cách mua chuộc tiêu diệt.  Đi tìm hình bóng của nàng Vương Thúy Kiều thì phải nghiên cứu chính sử để biết vụ nổi loạn của Từ Hải là sử kiện trong quá khứ hay chỉ là tình tiết tưởng tượng trong tiểu thuyết.

Từ Hải không phải là nhân vật hư cấu.  Sách sử của nhà Minh có ghi chép về một thủ lãnh hải tặc tên Từ Hải với hơn 10000 lâu la có sào nguyệt ở Sạ Phố.  Quân Từ Hải thế lực lớn đã tấn công cướp bóc các vùng Tô Châu, Hồ Châu.  Theo sử kiện thuật lại trong Trù Hải Đồ, thế quân của Từ Hải hùng mạnh đe dọa cả Kim Lăng khiến quân triều đình phải giả hòa để mua chuộc dụ hàng.  Sau đó lợi dụng lúc Từ Hải thiếu phòng bị, Tổng Đốc Hồ Tôn Hiến đã dùng hỏa công thôn tính hải tặc.  Từ Hải không ra đầu hàng và đã tự kết liễu bằng cách nhảy xuống sông trầm mình.

Như vậy Từ Hải nếu không phải là một anh hùng theo định nghĩa của chính sử thì cũng là một trang hảo hán lưu danh trong Minh sử mặc dầu rất là khiêm tốn.  Từ Hải hiện diện trong lịch sử với tư thế lãnh tụ thư hùng ngang ngữa với quân triều đình Trung quốc trên một dải đất rộng lớn thì có lẽ cạnh bên thế nào cũng có bóng dáng mỹ nữ.  Mỹ nữ đó có phải là Vương Thúy Kiều hay không và nếu đúng thì nàng ẩn hiện ở đâu trong quá khứ?Vương Thúy Kiều là kiều nữ thông minh với sắc đẹp hoàn mỹ hoa ghen liễu hờn.

“Làn thu thủy nét xuân sơnHoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh.Một, hai nghiêng nước nghiêng thành,Sắc đành đòi một, tài đành họa hai.Thông minh vốn sẵn tư trời,Pha nghề thi họa, đủ mùi ca ngâm.”

Người đẹp nghiêng nước nghiêng thành Vương Thúy Kiều chắc hẳn là phải ở gần cạnh đấng anh hùng bởi vì “anh hùng nan quá mỹ nhân quan” (anh hùng khó qua ải mỹ nhân).Nhưng Vương Thúy Kiều ở đâu và gần gũi anh hùng hảo hán nào?  Trong Kỷ tiễu Từ Hải bản mạt (剿徐海本末 ), khi tường thuật về cuộc chinh phạt quân Từ Hải, Phó sứ Mao Khôn ghi chép về chiến thắng của quân triều đình Trung quốc và may thay có đoạn viết sơ lược về nàng Vương Thúy Kiều  (Hồ Tôn Hiến - Trù Hải Đồ Biên, Cảnh Ấn Văn Uyên Các, Tứ Khố Toàn Thư, sách thứ 343. Đài Bắc, Đài Loan. Thương Vụ ấn thư quán, 1983).

Vào năm Bính Thìn (1556), hải tặc dưới trướng Từ Hải uy hiếp Kim Lăng nhưng được quân triều đình giả chiêu dụ hàng rồi tiêu diệt bằng hỏa lực.  Quân Hồ Tôn Hiến bắt được hai ca kỹ tên Vương Thúy Kiều và Lục Châu.   Hai nàng khóc lóc và khi được dọ hỏi về Từ Hải thì chỉ chỗ tướng cướp đã trầm mình tự tử.  Tử thi của Từ Hải được vớt lên và trảm thủ.

Bóng dáng Vương Thúy Kiều hiện rõ trong lịch sử và được Phó sứ Mao Khôn tả lại trong Kỷ tiễu Từ Hải.  Nàng là ca kỹ “quốc sắc thiên hương, một cười này hẳn nghìn vàng chẳng ngoa” (ĐTTT) và đã trọn tình gần gũi bên cạnh Từ Hải đến giờ phút chót cận kề tử thần.  Ca kỹ ở Trung quốc cũng như kiều nữ Geisha ở Nhật không những có tài đàn hát, thi vũ mà còn là những mỹ nữ hầu hạ trò chuyện tuyệt vời cho nên thu hút sự đam mê mãnh liệt của hảo hán hào kiệt bởi vì anh hùng dễ sa lưới mỹ nhân.
Dựa trên sử liệu khả tín hiện nay, tôi không tin Vương Thúy Kiều là phu nhân của Từ Hải dựa trên hai lý do: (1) Sử thư chỉ ghi Vương Thúy Kiều cũng nhưng nàng Lục Châu là hai kỹ nữ bị bắt sau khi quân hải tặc bại trận mà không tường thuật Kiều là phu nhân của Từ Hải vốn là một chi tiết quan trọng khó có thể bỏ qua, và (2) Phó sứ Mao Khôn ghi rõ trong Kỷ tiễu Từ Hải bản mạt là Vương Thúy Kiều đã không trầm mình tự tử cùng Từ Hải theo tình nghĩa phu thê thủ tiết xa xưa.

Từ Hải vương vấn kiều nữ Geisha Thúy Kiều là chuyện thường tình nhưng Từ Hải có lẽ không bị bại quân vì nghe lời khuyên của Thúy Kiều hay kỹ nữ Lục Châu mà chỉ do sơ sót trong quân cơ, tính sai nước cờ để rơi vào trận chiêu hàn của địch mà không phòng thủ cẩn thận.  Thất trận thì phải tìm lý do để ngụy biện và không có lý do nào dễ hơn cái tính ôm tửu mê sắc.

Đam mê tửu sắc là căn bệnh trầm kha của kẻ hữu dõng vô mưu.  Là hảo hán nhưng không trí lược do đó Từ Hải đã đưa cả vạn quân từ thế thượng phong vào vòng bại vong chỉ vì một kế sách nhỏ nhặt của Hồ Tôn Hiến.  Có lẽ cũng tương tự như nhân vật hư cấu Thúc Kỳ Tâm trong Đoạn Trường Tân Thanh,hảo hán Từ Hải của quá khứ chỉ biết đắm đuối với tấm thân ngà ngọc của Kiều Rõ màu trong ngọc trắng ngà! Dày dày sẵn đúc một tòa thiên nhiên” chứ không thương yêu gì Vương Thúy Kiều lẫn cô kỹ nữ Lục Châu.

Vương Thúy Kiều, kiều nữ đa tài trong lịch sử, có lẽ cũng nhận ra sự thật là đam mê nhục dục không là phải tình yêu chân thậtvà vì không phải là phu nhân của Từ Hải cho nên nàng đâu có dại gì mà tự tử theo Từ Hải.  Trong bối cảnh không được trân trọng yêu quý thật sự mà chỉ được xem là ca kỹ mua vui thì tội gì mà Vương Thúy Kiều lẫn Lục Châu phải hủy mình vì kẻ hữu dõng vô mưu.  Lão tử chẳng đã từng dạy: “Danh với thân mình, cái nào thân hơn?  Thân mình với của cải, cái nào nhiều hơn? Được với mất cái nào hại hơn?” (“Danh dữ thân thục thân? Thân dữ hóa thục đa? Đắc dữ vong thục bệnh?”  Đạo Đức Kinh, C.XLIV).  Chỉ tội nghiệp cho thân phận kỹ nữ Vương Thúy Kiều đa tài nhưng bạc phước ở xứ Tàu và hương sắc phải lưu lạc xa xôi tận miền Nam đến xứ Việt mới được phục hồi giá trị nhân cách.

Cảm ơn kỹ nữ đa tài bạc phận Vương Thúy Kiều đã góp tạo cảm xúc sáng tác đặc sắc và cảm ơn cụ Nguyễn Du, danh nhân văn hóa, với Đoạn Trường Tân Thanh đã đưa độc giả về với thế giới thi ca vang vọng âm giai của một tình khúc đa sầu, đa cảm chứa đựng nhiều diễn biến ly kỳ khiến độc giả suy tư đắn đo về cõi đời bụi bậm trần ai:

“Trăm năm trong cõi người ta,Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau.Trải qua một cuộc bể dâu,Những điều trông thấy mà đau đớn lòng.”

Vịnh Thanh

Mùa Hoa Anh Đào 2015Tokyo, Nhật Bản

No comments:

Post a Comment