Thursday, February 27, 2014

Sức ép điều tra nguồn gốc tài sản cán bộ

Nam Nguyên, phóng viên RFA
2014-02-26
nhacanbo-305.jpg

Dinh thự của nguyên Tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền

Photo courtesy of motthegioi.vn

 

Vụ báo chí phanh phui một số tài sản lớn của nguyên Tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền gây sôi nổi dư luận và đang có nhiều ý kiến là cần làm rõ nguồn gốc những tài sản đó.

Các nhân vật cộm cán cỡ Ủy viên Trung ương Đảng khi về hưu thường là hạ cánh an toàn. Nhưng trường hợp ông Trần Văn Truyền nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ thì không êm ả như thế. Báo chí cả lề phải lẫn mạng xã hội gần đây đưa nhiều bài kèm hình ảnh về tòa biệt thự nguy nga của ông ở Thành phố Bến Tre. Bên cạnh đó còn có bảng liệt kê các nhà đất khác của ông ở TP.HCM. Ông Trần Văn Truyền phản ứng một cách khá chừng mực nếu không gọi là yếu ớt.

Về sự kiện nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền bị đàm tiếu về sự giàu có không tương xứng với đồng lương cán bộ trước khi về hưu, Luật sư Trần Đinh Triển ở Hà Nội nhận định:

“Vừa qua các phương tiện thông tin đại chúng đưa lên thông tin như vậy…chúng ta phải căn cứ vào đó như một nguồn thông tin và thông tin đó chính xác hay chưa chính xác thì cơ quan có thẩm quyền của Đảng và Nhà nước phải được tiến hành xác minh điều tra làm rõ, xem rằng nó có khối tài sản như vậy không, thật hay giả nguồn gốc từ đâu ra. Yêu cầu ông Truyền với tư cách là một đảng viên, nguyên là một cán bộ Tổng thanh Tra Nhà nước phải giải trình trước Đảng, trước Nhà nước và nhân dân về khối tài sản đó; yêu cầu ông Truyền nếu không giải thích được và nếu giải thích được nguồn đó từ tham nhũng và vi phạm pháp luật, thì cũng phải xử lý theo qui định của pháp luật. Tôi cho rằng có làm như vậy thì mới đem lại niềm tin yêu của người dân.”

Để cho có dân chủ thì phải có nhiều đảng cạnh tranh với nhau. Chỉ có một đảng thì tôi nghĩ rằng tất cả những điều gọi là dân chủ chỉ là dân chủ giả hiệu mà thôi.

- TS Nguyễn Quang A

Tham nhũng ở Việt Nam được nhìn nhận như một vấn nạn quốc gia, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang từng báo động về điều gọi là “Nồi canh có quá nhiều sâu” hoặc “một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên thoái hóa biến chất.” Mặc dù chống tham nhũng là một câu chuyện dài và được cho là phải hình thành từ thể chế kinh tế chính trị áp dụng sự công khai minh bạch, pháp luật nghiêm minh, giám sát hiệu quả. Một chuỗi điều kiện khó hiện thực trong một chế độ một đảng độc quyền cai trị, Đảng chỉ đạo tất cả từ Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ.

TS Nguyễn Quang A, một nhà hoạt động xã hội dân sự ở Việt Nam nhận định:

“Để cho có dân chủ thì phải có nhiều đảng cạnh tranh với nhau. Chỉ có một đảng thì tôi nghĩ rằng tất cả những điều gọi là dân chủ chỉ là dân chủ giả hiệu mà thôi.”

Trong thực trạng hiện nay ở Việt Nam, cuộc chiến chống tham nhũng được mô tả như để cứu vãn chế độ, khôi phục  niềm tin của nhân dân. LS Trần Đình Triển nhận định:

“Nếu chúng ta không đấu tranh chống tham nhũng triệt để thì để cán bộ nhà nước, những người có chức có quyền vẫn lợi dụng vào việc vơ vét tài sản của nhà nước của nhân dân, làm giàu cho bản thân mình. Trong khi đó ở các vùng sâu vùng xa, nhiều người dân khác, đặc biệt là người làm công ăn lương đang rơi vào tình cảnh kinh tế hết sức khó khăn là điều không thể chấp nhận được.”

Trong một lần trả lời chúng tôi, chuyên gia kinh tế độc lập TS Lê Đăng Doanh ở Hà Nội ghi nhận một nỗ lực phòng chống tham nhũng của giới lãnh đạo Đảng.

“Hiện nay về phía Đảng, ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có nỗ lực thúc đẩy chống tham nhũng bằng các biện pháp như yêu cầu phải kê khai tài sản và có chỉ thị yêu cầu phải công khai việc kê khai đó ra ở mức độ cao hơn so với trước đây. Ông Tổng Bí thư cũng sử dụng Ban Nội chính để thúc đẩy quá trình điều tra chống tham nhũng và đưa ra một số vụ án trong thời gian vừa qua như Vinalines với Dương Chí Dũng và em là Dương Tự Trọng.”

danlambao-250.jpg

Căn nhà sàn bằng gỗ quý của một cán bộ cao cấp phía bắc. Photo courtesy of danlambao.com

LS Trần Đình Triển nói với chúng tôi, việc yêu cầu các đảng viên, cán bộ công chức phải đi đầu trong việc kê khai tài sản, theo ông là một giải pháp đúng. Nhưng để thực hiện được giải pháp đó thì gặp rất nhiều trở ngại, vì thứ nhất khi người ta tham nhũng người ta có thể che dấu tài sản đó dưới nhiều dạng khác nhau. Ví dụ bất động sản người ta đứng tên dưới dạng con cháu họ hàng. Thứ hai nữa người ta có thể rửa tiền thông qua các cổ phần trong doanh nghiệp hay thậm chí gởi tiền ở nước ngoài hay đóng cổ phần mua bảo hiểm ..v..v..

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có nỗ lực thúc đẩy chống tham nhũng bằng các biện pháp như yêu cầu phải kê khai tài sản và có chỉ thị yêu cầu phải công khai việc kê khai đó ra ở mức độ cao hơn so với trước đây.

- TS Lê Đăng Doanh

LS Trần Đình Triển nhấn mạnh đến việc phải có những quyết sách cụ thể :

‘Thí dụ, bây giờ có thể trên một phương diện nào đó nếu Luật Đất đai qui định và văn bản hướng dẫn ban hành, nếu đất đai đứng tên ai thì người đó là quyền sở hữu và phải được kê khai, sau đó làm cuộc tổng kiểm tra trên toàn quốc để xem rằng đất đai, nhất là trong vùng đô thị đứng tên ai và người đó có khả năng có tài sản hay không ..v..v.. rất là nhiều giải pháp. Thậm chí hệ thống ngân hàng hay tài khoản của các quan chức ở nước ngoài, nếu chúng ta hợp tác với Interpol hay các tổ chức phòng chống rửa tiền của Quốc tế và các ngân hàng nước bạn mang tính quốc tế để làm rõ việc đó ra. Mỗi việc như vậy cần phải đưa ra giải pháp cụ thể còn lời phát biểu của Tổng Bí thư hay đường lối mang tính sách lược, còn đi vào cụ thể thì phải có thiết kế cụ thể, với những tác động cụ thể và giải pháp cụ thể thì mới đưa lại hiệu quả.”

Theo các chuyên gia, Việt Nam cần một sự cải cách thể chế có thực chất thì mới có thể giảm thiểu quốc nạn tham nhũng. Năm 2006 khi nhậm chức Thủ tướng nhiệm kỳ đầu, ông Nguyễn Tấn Dũng đã khảng khái nói rằng sẽ từ chức nếu không chống được tham nhũng. Tình trạng hiện nay không đổi khác mà còn có phần tệ hại hơn. Theo đánh giá của Tổ chức minh bạch Quốc tế năm 2013 Việt Nam bị xếp hạng 116/177 quốc gia về chỉ số cảm nhận tham nhũng.

Câu chuyện về ông Trần Văn Truyền, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ với biệt thự lớn như lâu đài, có thể chỉ là những nét chấm phá trong toàn cảnh bức tranh quyền lực và tham nhũng tại Việt Nam.

Thursday, February 20, 2014

Ý nghĩa của lợi ích cao nhất là gì?

Mặc Lâm, biên tập viên RFA

2014-02-20

BAC0393-305.jpg

TT Nguyễn Tấn Dũng trong cuộc họp với Trung ương MTTQ Việt Nam hôm 19/2.

Courtesy chinhphu.vn

 

Có lợi cho đất nước?

Sáng hôm qua (19/2) Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định trong cuộc họp với Trung ương MTTQ Việt Nam rằng Đảng, Nhà nước, chính phủ Việt Nam không quên xương máu chiến sĩ đồng bào hy sinh tại cuộc chiến tranh biên giới năm 1979 với Trung Quốc nhưng các cuộc kỷ niệm phải tính sao cho có lợi cho đất nước nhất.

Ba ngày sau khi cuộc tưởng niệm cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc do nhân sĩ và đông đảo người dân tại Hà Nội tổ chức bị phá bỉnh bởi dư luận viên và vũ viên tại tượng đài Lý Thái Tổ, ngày 19 tháng Hai Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố trước cuộc họp của Trung ương MTTQ Việt Nam rằng Đảng, Nhà nước và Chính phủ sẽ không quên xương máu đồng bào chiến sĩ trong cuộc chiến này.

Trong cuộc họp, GS.TSKH Phạm Thị Trân Châu đã thẳng thắn cho biết muốn nghe quan điểm chính thống của cấp cao nhất có chủ trương gì trong việc tổ chức lễ tưởng niệm trong dịp 35 năm. Thủ tướng Dũng trả lời rằng vừa qua Bộ Chính trị đã họp và có những chỉ đạo chặt chẽ với tinh thần tính đến lợi ích cao nhất của đất nước. Do đó ông khẳng định các hoạt động kỷ niệm cũng phải tính có lợi cho đất nước nhất.

Thủ tướng đã tiết lộ quyết định của Bộ chính trị để trả lời cho câu hỏi của GS Phạm Thị Trân Châu cũng như cho toàn dân về quan điểm không thay đổi của Bộ chính trị, đó là không tổ chức hoạt động gì nếu thấy không có lợi, và ngược lại chỉ tổ chức khi nó mang lại lợi ích cho dân tộc đất nước.

Có vẻ như đây là một cách nói nước đôi của ông Thủ tướng. Trước đây Thủ tướng cũng đã từng nói về vấn đề Trường Sa-Hoàng Sa chủ quyền biển đảo của Việt Nam tại thời điểm cuối năm 2011 khi ông đứng trước diễn đàn Quốc hội và đề cập tới vấn đề này.

-TS Phạm Chí Dũng

Tuy nhiên Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng không chia sẻ với người đưa ra câu hỏi rằng lợi ích cao nhất của đất nước là những gì và khi nào thì có lợi cũng như ngược lại.

Bên cạnh đó Thủ tướng cũng nhấn mạnh "Đảng, Nhà nước không bao giờ quên công lao của đồng chí, đồng bào chiến đấu, hy sinh để giành thắng lợi trong cuộc chiến tranh biên giới của TQ"

Tuy Thủ tướng nói không quên ơn nhưng khi người dân tổ chức kỷ niệm cái ngày mà đất nước đau thương ấy như một cách nhớ ơn cụ thể nhất thì nhà nước lại cho người tới tượng đài Lý Thái Tổ để phá rối bằng mọi cách. Mâu thuẫn này được bà Lê Hiền Đức, người có mặt tại chỗ và chứng kiến từ đầu các việc nhố nhăng của vũ viên và dư luận viên cho biết cảm nghĩ của mình:

“Sáng hôm nay tôi vừa mới đọc được cái câu của Thủ tướng Tấn Dũng phát biểu trên công luận rằng chúng ta cần phải nhớ ơn những người đã hy sinh. Thế thì tôi rất thích. Nào! Bây giờ tôi sẽ tìm mọi cách chưa biết là có nên gọi điện hay như thế nào đấy tìm hiểu xem ông ta tuyên bố là phải biết ơn những người đã ngã xuống rồi tổ chức tưởng niệm ….thế tại sao hôm ấy không để cho chúng tôi làm lễ tưởng niệm? Tại sao ông không chỉ đạo trước cái ngày tưởng niệm đó mà bây giờ ông mới tuyên bố? chẳng qua đó chỉ là đãi bôi, mồm thì ai cũng nói được tha hồ muốn nói gì thì nói nhưng tôi cho rằng phải thể hiện bằng hành động, bằng tấm lòng việc làm cụ thể.”

Câu trả lời với hàm ý theo sau quyết định từ  Bộ chính trị của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng được Giáo sư Tương Lai chia sẻ:

nguyenxuandienblog-305.jpg
Chiến thuật nhảy đầm của nhà cầm quyền VN nhằm ngăn chặn nhân sĩ trí thức tưởng niệm ngày chiến tranh biên giới 17/2. Ảnh chụp hôm 16/2/2014 tại Hà Nội.

“Chắc chắn là ông Thủ tướng người mà nói ra điều đó không phải là ông không chịu sức ép vì thế câu ông ấy nói tôi vừa đọc xong trên báo Đại đoàn kết: làm kỷ niệm thế nào cho có lợi cho đất nước, có nghĩa là làm thế nào một mặt phải giữ được đường lối đối ngoại mà riêng cá nhân tôi tôi cho là sai lầm nhưng mà bây giờ chắc ông đang trong cái bối cảnh đó ông phải nói theo ý kiến tập thể chứ ông không một mình một chợ được.”

TS Phạm Chí Dũng, một nhà kinh tế, nhà báo bất đồng chính kiến thì lại cho rằng Thủ tướng Dũng đang tránh né vấn đề khi phát biểu có tính nước đôi như vậy. Ông nhắc lại những tuyên bố của Thủ tướng trước Quốc hội vào cuối năm 2011:

“Có vẻ như đây là một cách nói nước đôi của ông Thủ tướng. Trước đây Thủ tướng cũng đã từng nói về vấn đề Trường Sa-Hoàng Sa chủ quyền biển đảo của Việt Nam tại thời điểm cuối năm 2011 khi ông đứng trước diễn đàn Quốc hội và đề cập tới vấn đề này nhưng từ đó đến nay không thấy một khí sắc nào có vẻ quyết liệt trong ông về tổ chức kỷ niệm theo đúng nghĩa theo tinh thần dân tộc về Hoàng Sa – Trường Sa.”

Tưởng niệm có làm xấu tổ quốc?

Qua tiết lộ của Thủ tướng người dân được biết là muốn tổ chức ngày vinh danh người đã nằm xuống vì mũi súng Trung Quốc thì phải tính toán xem lợi hại như thế nào và tổ chức thì có lợi ích nào cao nhất cho đất nước mà không bị Trung Quốc gây chuyện để hạnh họe với Bộ chính trị. Bà Lê Hiền Đức với kinh nghiệm bao nhiêu năm về yếu tố Trung Quốc đặt lại câu hỏi:

“Ô! Chúng tôi có làm gì mà không có lợi? Chúng tôi đi tưởng niệm có làm xấu tổ quốc hay không hay là các anh sợ mất lòng thằng Trung Quốc mà các anh ngăn cản tôi? Chẳng qua là sợ chúng nó hay sao mà không dám đề chúng tôi làm cái lễ tưởng niệm?

Hôm ấy có một thằng cha tên nó là Phan Trọng Khải, thiếu tá lữ đoàn thông tin 205, nó ra nó phá rối chúng tôi.”

Ô! Chúng tôi có làm gì mà không có lợi? Chúng tôi đi tưởng niệm có làm xấu tổ quốc hay không hay là các anh sợ mất lòng thằng Trung Quốc mà các anh ngăn cản tôi? Chẳng qua là sợ chúng nó hay sao mà không dám đề chúng tôi làm cái lễ tưởng niệm?

-Bà Lê Hiền Đức

Đối với TS Phạm Chí Dũng thì vấn đề tổ chức kỷ niệm ngày mất Trường Sa-Hoàng Sa cũng như biên giới phía Bắc vào tay Trung Quốc có liên quan mật thiết tới luật biểu tình. Cũng chính Thủ tướng yêu cầu Quốc hội nhanh chóng soạn thảo luật này nhưng tới giờ này thì luật vẫn còn nằm đâu đó trong ngăn kéo của Bộ Công an, ông nói:

“Việc làm sao kỷ niệm tưởng niệm vấn đề Trường Sa-Hoàng Sa có lợi nhất chỉ là một cách nói hết sức ngoại giao mà không phải là một vấn đề thực chất. Một trong những chủ đề then chốt liên quan đến Trường Sa- Hoàng Sa và chủ quyền biển đảo Việt Nam là luật biểu tình. Luật biểu tình cũng được chính Thủ tướng Dũng nêu ra tại kỳ họp Quốc hội cuối năm 2011 nhưng cho tới nay vẫn chưa thấy bất kỳ một bóng dáng, một dự thảo nào của luật này. Chỉ tới cuối năm 2013 ngay sau khi Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tới Việt Nam thì Thường vụ Quốc hội mới đưa ra tuyên bố bất ngờ là sắp tới sẽ ban hành Luật lập hội và Luật biểu tình. Tuy nhiên chính phủ đưa ra kế hoạch là giao cho Bộ công an dự thảo luật biểu tình và sẽ đưa vào thực hiện năm 2015-2016 trở đi như vậy có nghĩa là còn rất lâu nữa.

Điều đó cho thấy các cuộc biểu tình của người dân Hà Nội, Sài Gòn và một số địa phương khác chống lại sự can thiệp thô bạo của Bắc Kinh tại khu vực Biển Đông đã trở nên gần như bị loại ra khỏi việc hợp thức hóa.”

Sự ám ảnh bởi cái bóng của Trung Quốc là quá lớn, nó chiếm mọi tư duy, chính sách, cũng như cản trở bước phát triển của đất nước đã lên đến cực điểm mà theo Giáo sư Tương Lai còn tệ hại hơn thời kỳ Bắc thuộc:

“Ở đây nó nói lên thảm cảnh đất nước hiện nay. Cái thời mà Lê Chiêu Thống cầu viện Tôn Sĩ Nghị cũng không nhục nhã như hiện nay. Trước các sức ép, vừa mới thò mồm ra nói được một câu thì sau đó thụt lại đấy là vấn đề. Đâu phải chỉ là vấn đề chiến tranh biên giới? Ngay như hôm qua về cái án phúc thẩm của Luật sư Lê Quốc Quân. Thực ra gần như đã có thỏa thuận và người ta biết rằng Lê Quốc Quân là một trong những người cùng với vài người khác như Điếu Cày…được hứa hẹn sẽ được thả nhưng cuối cùng có cái sức ép nào đấy buộc chưa thể được và vẫn y án. Đấy là nỗi đau của một đường lối sai lầm và nó khởi sự từ Hội nghị Thành Đô cho đến bây giờ.”

Người dân thắc mắc ngày kỷ niệm trận chiến Gạc Ma 14 tháng Ba sắp tới không biết khi ấy các cuộc tưởng niệm 64 anh hùng liệt sĩ Việt Nam bỏ mình dưới mũi súng của Trung Quốc sẽ diễn ra như thế nào để mang về lợi ích cao nhất như Bộ Chính trị đã ra nghị quyết?

Wednesday, February 19, 2014

Dân Làm Báo
Thánh chỉ thiên triều đã ban! Lũ tiểu vương quan Việt đang ra sức phá tan lịch sử Việt
Nhạc sĩ Tô Hải - Đúng là vậy! 35 năm đã trôi qua... Bao nỗi hờn căm, uất ức đắng cay đã bị nhà cầm quyền đảng trị bắt nhân dân ta phải quên đi, nuốt hận đi, nhất là với các gia đình có chồng con bỏ mạng dưới chủ trương giết sạch, đốt sạch... phá sạch của Đặng Tiểu Bình khi xua 60 vạn quân xâm chiếm 6 tỉnh phía Bắc Việt Nam trong cái ngày 17 tháng 2/1979 không thể quên đó! 
 
Đã 40 lần ngày 19 tháng 1 trôi qua trong câm nín ấm ức...
 
Và 35 lần ngày 17 tháng 2 cũng sẽ sắp phải trôi qua mà con cháu chúng ta sẽ không thể biết đó là ngày quốc nhục ngàn đời...
 
Mình chả phải là nhà nhận định tình hình chính trị quốc tế gì bén gót ông Carl Thayer.
 
Mình cũng chẳng có cái đầu và trái tim của mấy ông giáo sư /tiến sỹ của Đảng họ, thỉnh thoảng... “thò ra thụt vào” một vài ý kiến ra cái đều cần “sòng phẳng với lịch sử” khi không quên những gì ta đã hy sinh để bảo vệ tổ quốc nhưng... cũng không nên đào sâu sự hận thù với các đồng chí... bố(n) tốt của họ (!?), hoặc nhốt mọi nỗi hận thù vào trong những... “hội thảo khoa học” công khai một cách cực kỳ hạn chế! 
 
Gần đây, nắm chắc là nhà cầm quyền sẽ cấm tiệt đả động tới những ngày nhậy cảm nói trên, g/s Vũ Minh Giang đã dọn đường cho những ai muốn làm to chuyện vụ “nhận một bài học thật đắt giá” của quân và dân 6 tỉnh biên giới ngày 17 tháng 2 tới đây là, “không làm to thì làm nhỏ” giữa các nhà khoa học với nhau trong một hội thảo khoa học mà chẳng sợ vi phạm những gì đã hứa với thiên triều! Tất nhiên là có sự chỉ đạo của những nhà khoa học hàng đầu của các “viện hàn (xì) lâm” phụ trách ný nuận của đảng họ! Không cho phép mấy tay nhân sỹ trí thức biến chất, “học nhiều quá hóa khùng”, chưa đến ngày 17 tháng 2 đã tung lên mạng những bài viết, những hình ảnh “không có lợi” cho tình đồng chí mà Đảng họ đã cố gắng nối lại kể từ ngày các bậc đàn anh họ đã phải cúi đầu tạ tội với đấng sinh thành ra họ sau khi đã bị vụt cho bao nhiêu cú roi tóe máu đít ở Thành Đô tháng 9/1990 năm nào!
 
Với con mắt, cái đầu và trái tim một em học sinh cấp 1, mình cũng thừa sức để thấy được: 
 
TẤT CẢ ĐỀU DO CÓ THÁNH CHỈ BÊN THIÊN TRIỀU BAN RA! 
 
Chả thế mà...
 
Chưa đến hai tuần khi đại diện cho một nhóm quyền lực vừa đưa ra ý kiến “phải đưa những sự kiện Hoàng Sa, Trường Sa”... vào giáo trình lịch sử cho con em, phải tổ chức kỷ niệm tất cả những ai đã hy sinh vì bảo vệ chủ quyền cả đất nước...
Chả thế mà...
 
Sau một tuần, như những lò hơi được mở xúp páp, hơn 700 tờ báo và gần 100 cái đài, Tivi không ngớt hoan ca đồng nhất gọi bọn “ngụy quân-ngụy quyền” bằng cái tên Việt Nam Cộng Hòa, đưa ảnh những người đã hy sinh tại Hoàng Sa và vợ con họ lên trang đầu của các mặt báo, trên màn ảnh nhỏ... thì trước ngày kỷ niệm 2 ngày bỗng dưng đồng loạt tắt tiếng, câm họng cả lũ! 
 
Tất cả diễn biến đột ngột chỉ sau “cú điện đàm nóng” giữa 2 người đứng đầu 2 nước ”vừa là kẻ thù vừa là anh em” vào ngày 16/1/2013 nhân dịp chúc nhau cái gì gì đó nhân dịp này dịp nọ thì không rõ nhưng rõ nhất là ngay sau đêm đó: CẤM TIỆT MỌI KỶ NIỆM, TƯỞNG NHỚ, THẮP NẾN, ĐỐT NHANG VỀ SỰ KIỆN HOÀNG SA ĐÃ ĐƯỢC MẶC NHIÊN TRỞ VỀ VỚI ĐẤT MẸ TRUNG QUỐC! (có giấy tờ công nhận của nhà cầm quyền Việt Nam!) 
 
Mặc kệ cho cả thế giới ngạc nhiên! Mặc kệ cho dân trong nước uất hận dâng trào! Mặc kệ cho các nhà trí thức bi nhỡ tầu giữa Đà Nẵng phải bật khóc,! Đối với bọn họ: thì... Tất cả chỉ có một con đường: Còn Tầu còn mình/ Còn Tập Cận Bình, còn vương triều Sang Trọng Hùng Dũng...! 
 
Bất kể một hành động nào không làm vừa lòng các đồng chí 4 tốt của bọn họ đều là đồ... thoái hóa, đồ... phản động! 
 
Mình cũng chú ý đến sự hèn hạ, phủ nhận lịch sử để tránh làm phiền lòng mấy ông “bố(n) tốt”của họ gần đây nhất: 
 
Ngày mồng 5 tết vừa qua, lễ hội Đống Đa giữa thủ đô Thăng Long xưa, 
 
Ngày mồng 6 lễ hội Hai Bà tại quận Mê Linh nay cũng đã nhập về Hà Nội...
 
Không có một bóng vía nào của bọn cầm quyền, một cấp ủy nào từ cấp Trung Ương, thành phố đến Quận, Phường dám ló mặt ra vì sợ phải phát biểu đôi lời! Nhỡ chẳng may lỡ lời thì... mất ghế như chơi! 
 
Kỷ niệm nhũng anh hùng dân tộc mà chỉ còn là mấy anh chị khăn đỏ, áo xanh rước kiệu trống không; chẳng có bài vị ai, đi loanh quanh rồi kết thúc ở những trò chọi gà, sới vật, cờ tướng, cờ người!...
 
Trái lại nhờ có Internet, nhờ có những cây viết không thể dễ bị bịt mồm ["Phút bi tráng ở Pò Hèn" by Ngọc Uyên - Một Thế Giới, Chiều thứ Tư 12/2/2014] đã lên tiếng rất sớm về cái ngày cấm tuyên truyền này để con cháu được biết về một sự thật lịch sử viết hoa đã bị đã bị cả Thiên Triều lẫn lũ thái thú cấm nói tới (*) 
 
Kể cả đánh du kích chỉ được có 8 tiếng đồng hồ lên mạng đã phải vâng lệnh gỡ bỏ! 
 
Nhưng không thể nào ngăn cấm được nó lan tỏa trong nhân dân với những bằng chứng có tên người, tên núi, tên sông, tên làng cụ thể...
 
Mình bỗng nhớ ra cách đây 5 năm, (2/2009) mình đã dám liều mạng đưa ra một loạt các tư liệu, nhân chứng, vật chứng về sự kiện đại hèn quốc sỉ khi “cấm kỷ niệm những ngày bi hùng chiến thắng quân xâm lược Trung Quốc”.
 
Những chữ, cụm từ chính do các bậc đàn anh họ đưa ra cho toàn dân học tập cho văn nghệ sỹ sáng tác (ảnh)... Thế mà chỉ sau Thành Đô, một số những Lê chiêu Thống, Trần Ích Tắc… đàn anh đã cùng bọn hậu sinh chúng đã trơ mặt chó liếm sạch những gì các bậc tiền bối của chúng đã khạc ra và cố tình đẩy toàn dân ta vào quên lãng trước nỗi nhục ngàn đời này (ảnh dưới). 
 
Vẫn còn đây ảnh chụp tờ báo Nhân Dân 20.3.1979 chửi Tầu 
(thật là quang vinh của đảng ta: "Bãi đờm và máu nhổ ra rồi lại liếm vào như không") 
 
Mồ liệt sỹ Việt là như thế này đây. 
 
Dấu tích còn đây, chối bỏ sao đặng? 
 
Nghĩa trang liệt sỹ Tầu mới xây hoàng tráng 27 tỷ! 
 
Tự nhận thấy, 5 năm đã qua, nhưng những gì mình đã nói, dám nói đến hôm nay vẫn nguyên giá trị lên án bọn bán nước cầu ngai vàng này.
 
Hơn thế nữa, sức khỏe và trí nhớ ngày hôm nay không thể sao bằng cách đây 5 năm nữa rồi.
 
Vì vậy, mình post lại bài này để các bạn mới làm quen với mình, đặc biệt là các bạn trẻ thông cảm dùm: 
 
1- Mình đã cố gắng tối đa, thậm chí hy sinh tất cả để làm được một vài điều có lợi cho đất nước đặc biệt là giải tỏa cho bằng được cái vòng kim cô “Dối Trá là hàng đầu” của những người tự gọi là cộng sản bằng cách đưa ra những Sự Thật Lịch Sử mà mình là nhân chứng! 
 
2- Đọc lại những gì mình viết cách đây hơn 6 năm trời, mình cảm thấy hơi bị... ngán ngẩm vì hình như... mọi sự càng ngày càng diễn ra tồi tệ: Lịch sử càng bị chôn vùi, xuyên tạc, bịa đặt trâng tráo như những ngôi đền thờ mọc lên khắp nơi để con cháu chúng ta phải thờ những cái tên cha căng, chú kiếc nào làm anh hùng của đất nước mình! Trong khi đó thì 17.000 liệt sỹ Vị Xuyên thì nhà cầm quyền cấm được nói đến, cấm thăm hỏi... (ảnh trên).
 
Vì đâu nên nỗi? Hỡi các bạn trẻ của tôi? 
 
Các bạn phải vượt lên mọi sự sợ hãi để làm cái gì hơn lớp già “quá đát” chúng tôi chứ? 
 
Và đây một bài viết cách đây 5 năm nhưng rất nhiều bằng chứng mà chính người viết hôm nay đọc lại cũng tự thấy không sao viết nổi nữa: 
 
17 tháng 2 ngày dzì dzậy? 
 
Ngày 17 tháng 2/2009 
 
Tô Hải 
 
Từ sáng sớm tớ đã vào mạng... Đọc lướt qua các đầu đề các bài viết trên những tờ báo “nhớn” ra ngày 17 tháng 2/2009... Thất vọng! Bấm máy cho các "lão đồng chí" xưa gồm 3 ông đại tá, một ông trung tá đã về hưu từ thời bao cấp... Hỏi: Có biết hôm nay là ngày gì không? Cả ba đều trả lời: -Không nhớ!... Không biết!... Cúp máy. Gọi thẳng cho mấy ông có nhiều thành tích, có ít hay nhiều điều kiện dính líu tới sự kiện ngày 17 tháng 2 này! Đạo diễn Đặng Nhật Minh, tác giả “Thị xã trong tầm tay”...
 
Không ai bắt máy! Quay sang đạo diễn Nam Hà, Trưởng đoàn quay phim phóng sự về những ngày 12/2/1979 tới 6 tháng 3 /1979 (theo bài “kể chuyện cũ” của anh trên Blog-đã “treo” Linh Gia) … 
 
Hỏi: -Mày còn nhớ ngày 17 tháng 2 là ngày gì không? 
 
Sau một hồi ú ớ... trả lời: -Ngày gì? Sinh nhật ông à?
 
- Của khỉ! Lú lẫn hết rồi à? Ngày mày xuýt chết cùng Takano trên Lạng Sơn, quên dễ thế à?
 
- À, à, ừ, ừ, nhớ chứ, nhớ chứ nhưng nhớ mà làm gì thêm tổ... bực mình khi “người ta” đã muốn chúng ta phải quên đi!... 
Thế rồi anh kể một lô, một lốc những chuyện cũ, những đơn vị, những con người, những địa điểm, những tên đồi có đánh số, điểm cao nào có hai đại đội đã hy sinh gần hết… mà suốt thời gian đi làm phóng sự tại chỗ, anh đã thoát hiểm để có được những thước phim, phát trên Tivi tố cáo "tội ác trời không dung đất không tha của quân bành trướng Trung Quốc"... được vài lần rồi… xếp kho. 
Chỉ tiếc rằng hôm nay anh đã treo Blog vì nhiều lý do "tế nhị" nên không thể công khai nó bằng các entries khá hấp dẫn năm xưa... Và rồi, công việc kéo anh đi, người đời không còn ai để ý, anh cũng quên luôn như quên những năm tháng làm khẩu đội trưởng pháo của F367, đánh Điện Biên năm nào mặc cho những thằng một ngày có mặt tại Điện Biên cũng không, hôm nay cứ đi khắp nơi báo cáo... phét!! 
Thật buồn!... Tôi còn được giới thiệu số điện của nguyên Đại Tá Sư đoàn 346 (thời đó còn gọi là sư 3), đơn vị có nhiều “thành tích chiến thắng” quân Tàu khựa để làm một cuộc phỏng vấn không tiền khoáng hậu… chắc sẽ có nhiều chuyện hay ho hơn. Nhưng tính tớ không ưa ca ngợi chiến tích mà chỉ thích nhìn rõ cái mặt trái của chiến tích chứ không khuếch trương chiến thắng trên thây xác của cả 1.000 đồng đội của mình! Chán cái tay sư trưởng này vì chẳng biết gì hơn là hắn đã bắt được cả lũ tù binh Tầu... chưa biết bắn súng! Thế là tớ quay sang đọc các trang mạng khác. May quá! Không ít những bài nói về cuộc chiến giữa ta và người “VỪA LÀ ĐỒNG CHÍ VỪA LÀ ANH EM NÀY”. 
 
Đáng kể nhất là những bài của những con người trực tiếp nếm mùi “bài học” tại chỗ của chú Đặng, kẻ đã lên Tivi chửi các cấp lãnh đạo nước ta là “Đồ côn đồ (nguyên văn Hooligan) cần phải dạy cho chúng một bài học" (tài liệu của ông Dương Danh Dy, bí thư thứ nhất Đại Sứ Quán VN tại Bắc Kinh thời đó, đã nghe "được"nguyên văn và tại chỗ cả câu này). 
 
Và ngay sớm hôm sau, ngày 12/2/1979, Đặng đã xua 20 sư đoàn xâm chiếm, tàn phá, đốt hết, giết hết 6 tỉnh biên giới nước ta…, lộ nguyên mặt bành trướng… coi thường dân tộc Việt Nam.
Tớ cũng được biết thêm, qua những bài viết của các tác giả Trung Điền, Lương Sỹ Cầm, Trương Nhân Tuấn, Huy Đức, Nguyễn Hữu Vinh, Phạm Hồng Sơn, Trần Anh Kim..., những lời phát biểu của các nhân vật danh tiếng một thời như nguyên thứ trưởng ngoại giao, ủy viên Trung Ương Đảng, nay đã hết thời, Trần quang Cơ... những con người mà theo tớ, không thể là những “phần tử xấu” muốn phá hoại "16 chữ vàng" của hai Đảng Cộng Sản "thắm tình hữu nghị truyền thống lâu đời" được. 
 
Tớ cũng được xem ảnh “Nghĩa trang Vị Xuyên”, nhìn rõ những tấm bia mộ của 1600 chiến sỹ hy sinh vì cuộc chiến ngắn ngủi nhưng nhiều người bị giết hại nhất. Tớ cũng được nghe những lời phỏng vấn các bà mẹ như Hoàng Thị Lịch, 72 tuổi, đang còn là nhân chứng sống cho cuộc tàn sát đẫm máu tại thôn Tung Tháp, xã Hưng Đạo, huyện Hòa An- Cao Bằng. Ở đó: 43 người bị giết chết một cách thảm thương trong đó 21 phụ nữ (7 người đang có mang) và 20 trẻ em. Tất cả đều bị chặt bằng dao kiếm thành nhiều khúc rồi vứt xuông giếng và, khi đã quá đầy, chúng bèn vứt rải rác các mảnh xác người khắp hai bờ suối quanh làng...
Cũng được nghe chính ông Lương Đức Toa, bí thư chi bộ xã này thời đó nay còn sống (người đã tự tay mình vớt từng mảnh xác đồng bào mình từ giếng lên), giắt một Blogger có tên tuổi đi thăm lại cái "giếng căm thù ngày xưa", nay đã bị bỏ hoang, cây cỏ mọc rậm rịt che hết lối vào...
 
Và các ông Quế, mẹ Dự… những người có con là tự vệ công nhân đường sắt đã hy sinh ngay trong trận đầu khi ngăn chặn bước tiến của các "đồng chí bốn tốt" từ phương bắc tràn vào... nói lên nỗi căm hờn kẻ thù truyền thống, … về nỗi oan ức của họ khi không được nhận bất cứ một danh hiệu "chiến sỹ thi đua" hay "anh hùng diệt giặc"... Tầu nào! 
 
Và càng đắng cay hơn, khi đến ngày kỷ niệm "chiến thắng biên giới" như thường thấy trước khi "bình thường hóa quan hệ", người ta đã lờ tịt đi tất cả, coi như không hề có cái cuộc chiến này bao giờ!? Tớ càng thấy xấu hổ khi đọc trên mạng, thấy các "đồng chí-anh em" vẫn dương dương tự đắc cho là cuộc chiến biên giới năm 79, là họ đã "chiến thắng", là họ chỉ cốt "dạy cho bọn côn đồ Việt Nam một bài học" chứ nếu muốn, họ có thể “buổi sáng ăn cơm ở Lạng Sơn, buổi trưa ăn cơm ở... Hà Nội”!
Mặc dầu họ cũng công nhận là cái giá của sự “chiến thắng” của họ là: 6000 người chết và 21000 bị thương (“10 năm chiến tranh Trung Việt” - nhà xuất bản đại học Tứ Xuyên, tác giả Lý Tôn Bảo)... Còn nhiều hình ảnh và bài viết trên các mạng đáng tin cậy. Tiếc thay, tất cả những bài viết tâm huyết đó chỉ được đăng, phát trên các đài, báo viết và báo mạng của... nước ngoài vì các tác giả đáng kính đó thừa biết là chẳng có ông Tổng Biên nào dám duyệt đăng, dù chỉ là cái tít, nếu không muốn mất chức tức thì! (trừ tờ báo mạng của "Saigon Tiếp Thị" dám đưa lên mạng bài của Huy Đức nhưng vẻn vẹn có 2 tiếng đã lập tức có lệnh phải "bóc ngay". 
Cũng may là cả trăm tờ báo mạng khác đã kịp post lại, giúp cho những người như tớ, tranh thủ viết ngay những suy nghĩ của cá nhân mình về "cuộc chiến thứ ba bị bỏ quên" này! Nhưng thôi! Càng đọc nhiều, tớ càng thấy thêm buồn bực vì cái sự "im hơi lặng tiếng đáng xấu hổ" của hơn 700 tờ báo và gần 100 đài phát thanh truyền hình đã bị dán băng keo vào miệng một cách trắng trợn.
 
Để kết luận cho bài này tớ chỉ xin nhắc một ý của ông Dương Danh Dy khi đã về hưu gặp nguyên cố vấn Võ Văn Kiệt năm 2001 (lúc quan hệ hai bên đã được "bình thường hóa". Ông Kiệt nói với ông Hy bằng một câu ngắn gọn nhưng "hơi bị sáng suốt": “Cẩn thận! mỗi khi có kí kết gì với "họ" là họ đều có “giăng bẫy” cả đấy!”...
 
Cái "bẫy" đó rõ ràng hôm nay đã được giăng ra tới tận Cà Mau và nhất là gần đây, tại vùng Tây Nguyên với kế hoạch khai thác Bô-xit mà "tiền trạm" của người láng giềng 4 tốt đã có mặt đầy đủ như một đơn vị đặc nhiệm với tăng, bạt, đội bảo vệ... và các phương tiện truyền tin hiện đại. Có thật đây là một chuyện “tự nguyện mắc bẫy”? Hay chính là âm mưu bán rẻ cả đất nước của tổ tiên, đã đổ bao xương máu để gìn giũ từng tấc đất cho con Lạc cháu Hồng!?
 
18/02/2009 
 
Năm năm sau... Trung Quốc đã hoàn toàn thuần hóa bọn Việt Nam “vô ơn bạc nghĩa”.
 
Tất cả các mặt kinh tế, xã hội, văn hóa, đời sống... đã gần như lệ thuộc vào Bắc Kinh... và công khai hứa với Bắc Kinh “không ăn ở hai lòng”
 
Tất cả những tư tưởng, lời nói hành động chống Trung Quốc đều bị đàn áp, bắt bớ, tù tội…
 
Thỉnh thoảng có một vài cá nhân hoặc nhóm lợi ích nào muốn chiếm tí ti lòng dân, vùa mới có vài tuyên bố có vẻ… “đổi mới thể chế” thì lập tức cả một bô máy khổng lồ truyền thông cùng súng đạn, nhà tù vào cuộc, buộc phải câm họng! 
 
Từ biên giới phía Bắc tới Cà Mâu, đâu đâu cũng thấy đủ thành phần người Tầu, Khắp các tỉnh đều có những phố Tầu... Nhà máy Alumin không bán được cho ai đã đi vào sản xuất theo “chủ trương lớn của Bộ Chính Trị”! 10 sư đoàn Tầu đã nằm sẵn ngay trong lòng mẹ Việt! 
 
Gần đây nhất lại có tin: Nhập siêu của Việt Nam với Trung Quốc đã lên tới 20 tỷ đô-la?! Và theo chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành thì với 1000 tỉ đô-la (bằng số tiền cho Mỹ vay) Trung Quốc có thể mua đứt nước Việt Nam bằng con đường kinh tế mà chẳng cần gây hấn ngoài biển Đông, trên biên giới hay hải đảo gì xất!?!?
 
Có thể nào tồi tệ đến thế chăng? Và nếu đó là sự việc “có thể” thì ngày đó có lẽ không còn xa nếu nước Việt Nam cứ tiếp tục bị cai trị bởi những kẻ đã cam tâm cúi đầu tuân lệnh Thiên Triều để tồn tại?
 
Bao giờ? Cho đến bao giờ dân Việt Nam mới biến nỗi uất ức hờn căm này thành sức mạnh đạp đổ tất cả những tên bạo chúa bắt triệu triệu dân lành phải quì mọp dưới chân của bọn thiên triều đại đế để bảo vệ cả một tập đoàn thái thú tội lỗi tầy trời với nhân dân đây?
 
 
 
__________________
 
(*) Bài viết "Phút bi tráng ở Pò Hèn" 17.2.1979 [by Ngọc Uyên - Một Thế Giới - 12/2/2014] hết sức cảm động này, sau có 8 tiếng đã có lệnh “phải bóc ngay” nhưng vẫn có nhiều người copy kịp, các friend có thể vào đây để đọc.

Inline image 1