Monday, October 17, 2016

Tin Cập Nhật Chủ Nhật 16/10_TS.Lê Minh Nguyên.

E-mailPrint
                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                        
Tin Thế Giới
 
1.Biển Đông: Tổng thống Philippines tuyên bố không nhượng bộ Trung Quốc --- Đại sứ TQ nói có giải pháp Philippines-TQ về bãi cạn Scarborough
 
Tổng thống Philippines, Rodrigo Duterte, ngày 16/10/2016 tuyên bố sẽ nêu lên phán quyết của Tòa Trọng Tài La Haye về vụ kiện Biển Đông trong chuyến công du Trung Quốc, đồng thời cam kết không từ bỏ bất cứ chủ quyền nào hoặc làm khác với phán quyết nói trên. Trước đó, phát ngôn viên tổng thống, Ernesto Abella, cho biết ông Duterte sẽ không ký kết bất kỳ thỏa thuận nào với Trung Quốc nếu có hại cho lợi ích Philippines tại Biển Đông.
 
Theo nhật báo Philippines Inquirer, lời trấn an của phát ngôn viên tổng thống được đưa ra trong bối cảnh ông Antonio Carpio, một thành viên của Tòa án Tối cao Philippines, ngày 14/10 đã cảnh báo rằng tổng thống Rodrigo Duterte có thể phải đối mặt với cáo buộc "từ bỏ chủ quyền của chúng ta tại bãi cạn Scarborough".
 
Trước đó, tổng thống Duterte từng nhắc đến bãi cạn Scarborough như một « ao cá » nằm ngoài vùng lãnh hải 22 km của Philippines. Ông cũng cho rằng không thể thắng được Trung Quốc trong cuộc tranh giành lãnh hải tại Biển Đông, nên ông chỉ muốn đề cập đến thương mại, đầu tư, giúp đỡ và tài trợ từ phía Trung Quốc.
 
Theo phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye liên quan đến bãi cạn Scarborough, không một quốc gia nào có chủ quyền đối với bãi đá này, như vậy, mọi quốc gia có đòi hỏi chủ quyền chồng lấn tại khu vực trên đều có quyền đánh bắt.
 
Trước đó, trong cuộc họp báo ngày 14/10, đại sứ Trung Quốc tại Philippines tuyên bố cả hai nước có thể đạt được những mối quan hệ thương mại quan trọng dù bất đồng ý kiến trên vấn đề chủ quyền. Ông Triệu Giám Hoa (Zhao Jianhua) nhận định là trong hồ sơ Biển Đông, hai nước có cơ sở chung để cùng nhau làm việc, thảo luận, bao gồm cả bãi cạn Scarborough đang có tranh chấp.
 
Phái đoàn 500 doanh nhân tháp tùng tổng thống Duterte
 
Theo dự kiến, trong ba ngày công du Trung Quốc, từ 19-21/10, tổng thống Philippines sẽ gặp chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, chủ tịch Quốc Hội Trường Đức Giang (Zhang Dejiang) và thủ tướng Lý Khắc Cường (Li Keqiang).
 
Phát ngôn viên tổng thống Abella cho biết tháp tổng thống Philipines là phái đoàn gần 500 doanh nhân và ông Duterte mong sẽ ký nhiều thỏa thuận "trong các lĩnh vực hợp tác khác nhau". Ông nói: "Chúng tôi hy vọng đạt được kết quả tốt cho đất nước, giúp nền kinh tế tăng trưởng. Có rất nhiều điều thú vị sắp diễn ra".
 
***
Quan hệ hữu nghị mới chớm nở giữa Trung Quốc và Philippines có thể tăng cơ hội loại bỏ một trong những vấn đề gây tranh chấp lớn nhất ở Biển Đông, đại sứ Trung Quốc nói hôm thứ Sáu, trong khi hai bên tìm cách tăng cường các mối quan hệ thương mại dù vẫn bất đồng về vấn đề chủ quyền.
 
Trước chuyến thăm cao cấp tới Bắc Kinh vào tuần tới của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte và ít nhất 250 doanh nhân, đại sứ Trung Quốc tại Manila, Zhao Jianhua, nói rằng đã có nền tảng chung về Biển Đông mà hai bên có thể dựa vào đó để giải quyết, trong đó có Bãi cạn Scarborough đang trong tranh chấp.
 
Sự xích lại gần Trung Quốc của ông Duterte đánh dấu một sự đảo ngược trong chính sách đối ngoại của Philippines kể từ tháng Bảy, khi Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở La Haye, Hà Lan, ra phán quyết ủng hộ Philippines trong tranh chấp biển Đông.
 
Manila nộp đơn kiện việc tuần duyên Trung Quốc án ngữ 4 năm qua ở Bãi cạn Scarborough, một ngư truờng quan trọng.
 
Trong khi dành nhiều lời ca ngợi Trung Quốc, ông Duterte vẫn nhấn mạnh rằng các ngư dân Philippines cần phải được tiếp cận và không bị cản trở ở bãi cạn này.
 
Ông Zhao bày tỏ tin tưởng là có thể tìm ra một giải pháp và rốt cuộc, hai nước có thể thiết lập “một vùng biển hòa bình và hợp tác”.
 
Khi được một phóng viên hỏi liệu Trung Quốc có đáp ứng nguyện vọng của ông Duterte hay không, ông Zhao nói: “Phía Trung Quốc rất quan tâm tới hợp tác đánh bắt cá. Đó là câu trả lời cho sự quan ngại của tổng thống của bạn về các ngư dân. Chúng tôi muốn tìm kiếm khả năng đôi bên có thể xử lý hợp lý vụ này. Tôi nghĩ rằng hai bên sẽ có thể hợp tác tìm ra một giải pháp về vấn đề này”.
 
Tuy nhiên, chưa rõ là nền tảng chung là gì khi Trung Quốc từ chối thảo luận phán quyết của PCA và ông Duterte tiếp tục cam kết với người Philippines rằng ông sẽ không đi chệch nội dung của phán quyết ngày 12/7. - VOA
 
2.Thái Lan: 'trì hoãn 1 năm' đăng quang vua mới
 
Thái tử Maha Vajiralongkorn của Thái Lan muốn lễ đăng quang được trì hoãn lại cho ít nhất một năm, theo giới chức chính phủ.
 
Vua Bhumibol Adulyadej băng hà vào thứ Năm và thái tử muốn có thêm thời gian để tang phụ vương.
 
Cựu Thủ tướng Prem Tinsulanonda đang đóng vai trò như nhiếp chính.
 
Thủ tướng đương kim Prayuth Chan-ocha tìm cách trấn an người dân Thái về việc kế thừa trong một phát biểu trên truyền hình hôm thứ Bảy, nói rằng họ không nên lo lắng.
 
Vấn đề này đã được thảo luận khi Thái tử Vajiralongkorn triệu tập nhiếp chính và Tướng Prayuth, theo Thủ tướng Thái Lan.
 
Thái tử năm nay 64 tuổi đã "đề nghị nhân dân không bối rối hay lo lắng về chính quyền của quốc gia hay thậm chí về kế vị", Tướng Prayuth nói trong một tuyên bố trên truyền hình.
 
"Ông cho biết vào thời điểm này, mọi người đều còn đang đau buồn và thái tử cũng vậy, do đó mọi bên nên đợi cho đến khi chúng ta vượt qua thời gian đau buồn này."
 
Các câu hỏi về năng lực của thái tử đã được đặt ra từ trước, mặc dù đã có các điều luật nghiêm ngặt về tội 'khi quân' hay xúc phạm nhà vua vốn ngăn chặn bất kỳ cuộc thảo luận công khai nào.
 
Hứa hẹn bầu cử
 
Tướng Prayuth nắm quyền trong một cuộc đảo chính quân sự vào năm 2014 vốn lật đổ chính phủ dân sự. 
 
Ông đã hứa tiến hành các cuộc bầu cử vào năm tới.
 
Chế độ quân chủ được xem như là một lực thống nhất ở Thái Lan vào các thời điểm có biến động chính trị và Vua Bhumibol, người đã qua đời ở tuổi 88, là một nhân vật được kính trọng bởi nhiều người dân Thái.
 
Chính quyền quân sự đã nói rõ rằng Thái tử Vajiralongkorn sẽ là vị vua mới, theo phái viên Jonathan Head của BBC ở Bangkok, nhưng hiện chỉ chưa rõ ràng là khi nào điều này sẽ xảy ra.
 
Phái quân sự có truyền thống mạnh mẽ trung thành với chế độ quân chủ.
 
Thái Lan đang bắt đầu một năm để tang chính thức, và các hoạt động giải trí như nhiều chương trình TV và các sự kiện thể thao đã được hủy bỏ hoặc giảm thiểu.
 
Nhiều người Thái mặc đồ đen và để tang tiếp tục tập trung tại khu vực hoàng cung ở trung tâm Bangkok để bày tỏ lòng tôn kính và tiếc thương đối với nhà vua vừa băng hà bằng cách ký một sổ tang chia buồn.
 
Hiện chưa rõ khi nào việc hỏa táng thi hài nhà vua Bhumibol Adulyadej sẽ diễn ra.
 
Nhưng nghi lễ này còn chưa được dự kiến xảy ra cho đến khi thời gian để tang chính thức một năm với nhà vua còn chưa chấm dứt. - BBC
 
3.Hoa Kỳ phát hiện một vụ bắn tên lửa bất thành của Bắc Triều Tiên
 
Quân đội Hoa Kỳ cho biết hôm qua, 15/10/2016, đã phát hiện vụ bắn thử bất thành một tên lửa đạn đạo tầm trung của Bắc Triều Tiên. Đây là vụ bắn thử đầu tiên kể từ khi Mỹ loan báo đặt một hệ thống phòng thủ chống tên lửa trên lãnh thổ Hàn Quốc để bảo vệ đồng minh này trước mối đe dọa của Bình Nhưỡng.
 
Bộ Quốc Phòng Hàn Quốc hôm nay xác nhận vụ bắn thử bất thành này từ một căn cứ gần thành phố Kusong, nằm ở miền Tây Bắc của Bắc Triều Tiên.
 
Các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc cấm Bình Nhưỡng sử dụng tên lửa đạn đạo và vụ bắn thử hôm qua diễn ra vào lúc Hội Đồng Bảo An đang thảo luận về những biện pháp trừng phạt mới đối với Bắc Triều Tiên.
 
Từ Washington, thông tín viên Jean-Louis Pourtet nói về phản ứng của Hoa Kỳ:
 
"Washington đã phản ứng ngay lập tức với lời lên án mạnh mẽ của Lầu Năm Góc. Phát ngôn viên bộ Quốc Phòng Gary Ross đã nhắc lại cam kết của Hoa Kỳ về việc bảo vệ các nước đồng minh, đặc biệt là Hàn Quốc và Nhật Bản. Ông nói: "Chúng tôi luôn sẵn sàng tự vệ, cũng như bảo vệ các đồng minh chống mọi cuộc tấn công hoặc hành động khiêu khích và chúng tôi xem Bình Nhưỡng phải chịu trách nhiệm về những hành động này".
 
Theo Bộ Tư lệnh Phòng thủ Không gian Bắc Mỹ, vụ bắn tên lửa hôm qua không là mối nguy hiểm đối với Hoa Kỳ. Cho tới nay, các vụ bắn thử tên lửa của Bắc Triều Tiên chưa bao giờ thành công. Trong bảy vụ bắn thử, có sáu lần thất bại và một lần thành công một phần.
 
Tuy nhiên, vụ bắn thử tên lửa hôm qua vẫn gây nhiều quan ngại và vị tổng thống kế tiếp của Hoa Kỳ sẽ phải lấy một quyết định hệ trọng nếu Kim Jong Un tiếp tục là một mối đe dọa đối với thế giới.
 
Hiện giờ, các biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Quốc cũng như những áp lực của Trung Quốc vẫn không chặn đứng được chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng. Như lời giải thích của ông Christopher Hill, cựu đại sứ Mỹ, người đã chủ trì các cuộc đàm phán 6 bên ( từ 2005 đến 2007, nhưng đã thất bại ), "cái mà Bắc Triều Tiên muốn, đó là cái mà họ không thể có: được công nhận là một cường quốc hạt nhân."
 
4.Tên lửa lại nhằm vào tàu Mỹ ngoài khơi Yemen
 
Một đô đốc hàng đầu của Hoa Kỳ cho biết một lần nữa lại có nhiều tên lửa hành trình phóng từ bờ biển của Yemen nhằm vào một tàu chiến Hoa Kỳ ở Biển Đỏ.
 
Đô đốc John Richardson, Chỉ huy Hành quân của Hải quân, cho biết tàu khu trục mang tên lửa điều hướng USS Mason đã triển khai các biện pháp đối phó điện tử để chống lại cuộc tấn công và đã không bị trúng đạn trong vụ việc hôm thứ Bảy, 15/10. Đây là vụ tấn công thứ ba kiểu này nhằm vào tàu hải quân Hoa Kỳ trong khu vực trong tuần qua.
 
Nhà chức trách Hoa Kỳ nói cả tàu Mason lẫn tàu vận tải đổ bộ USS Ponce đều không bị trúng đạn trong các cuộc tấn công ngày 9/10, họ cũng cho biết tàu Mason và một tàu khác của Hoa Kỳ đã không hề hấn gì trong một vụ phóng tên lửa khác hôm 12/10.
 
Hôm thứ Bảy, trang web Military.com cho hay phát biểu tại buổi lễ đưa một con tàu vào hoạt động tại thành phố cảng Baltimore, ông Richardson chỉ cung cấp vài chi tiết về vụ tấn công mới nhất và không nói có bao nhiêu tên lửa đã phóng đi.
 
Vụ tấn công ngày 9/10 vào tàu Mason và tàu vận tải đổ bộ USS Ponce, và vụ tấn công thất bại hôm 12/10 đã dẫn đến vụ phóng một loạt tên lửa để trả đũa từ một tàu chiến khác của Mỹ là tàu USS Nitze hôm 13/10. Cuộc oanh kích đó của Hoa Kỳ nhắm mục tiêu vào 3 trạm radar ở phần lãnh thổ Yemen thuộc quyền kiểm soát của phiến quân Houthi được Iran hậu thuẫn.
 
Hôm 13/10, Iran triển khai hai tàu chiến tới Biển Đỏ, nhưng nhấn mạnh động thái này là nhằm ngăn chặn nạn cướp biển ở tuyến đường biển quan trọng.
 
Quân đội Hoa Kỳ đã cung cấp thông tin tình báo và hậu cần cho các chiến đấu cơ của liên minh do A-rập Xê-út đứng đầu, liên minh này bắt đầu nhắm mục tiêu vào các vị trí của phiến quân Houthi bên trong Yemen hồi đầu năm nay. - VOA
 
Tin Hoa Kỳ
 
5.Ông Kerry đến London đàm phán về Syria
 
Ngoại trưởng Hoa Kỳ gặp gỡ với các đồng minh châu Âu của Washington tại London hôm Chủ nhật, 16/10, để bàn thảo cách thức chấm dứt cuộc xung đột Syria, đến nay đã kéo dài sáu năm.
 
Ông John Kerry cho biết cuộc họp tại Thụy Sĩ với người đồng nhiệm Nga Sergei Lavrov, và một số nước Trung Đông trước đó một ngày đã nêu ra "một số ý tưởng cần được bàn tiếp một cách nhanh chóng", nhưng ông không cung cấp thêm chi tiết.
 
Cuộc đàm thoại tại Lausanne diễn ra chỉ chưa đầy hai tuần sau khi Washington đình chỉ đàm thoại song phương với Nga tiếp sau một lệnh ngừng bắn ở thành phố Aleppo bị chia cắt đã thất bại. Ông Kerry nói với các phóng viên rằng các nhà đàm phán đã "làm việc rất tích cực" để đạt được một thỏa thuận ngừng bắn tại thành phố bị chiến tranh tàn phá.
 
Cũng hôm Chủ nhật, các lực lượng đối lập Syria được hậu thuẫn bởi các cuộc không kích và xe thiết giáp của Thổ Nhĩ Kỳ đã giành quyền kiểm soát Dabiq từ tay những kẻ cực đoan Nhà nước Hồi giáo
 
Dabiq là một thị trấn vùng biên chủ chốt ở miền bắc Syria, cách biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ 10km. - VOA
 
6.Ông Trump thách bà Clinton kiểm tra chất kích thích
 
Ứng viên tổng thống Đảng Cộng hòa Donald Trump cáo buộc đối thủ Hillary Clinton vì "hứng khởi" trong cuộc tranh luận lần thứ hai của họ, ông nói cả hai người nên được kiểm tra xem có dùng chất kích thích hay không trước cuộc tranh luận kế tiếp. 
 
Ông cũng nói cuộc chạy đua vào ghế tổng thống trông có vẻ như "bầu cử gian lận". 
 
Bình luận được đưa ra trong khi có hàng loạt cáo buộc ông Trump quấy rối tình dục và một đoạn video ông đưa ra những bình luận tục tĩu về phụ nữ.
 
Các khảo sát cho thấy ông Trump đang thất thế ở một số bang quan trọng. 
 
Xuất hiện trong một cuộc diễu hành tại bang New Hampshire, ông Trump nói bà Clinton đã "quá hứng khởi" khi bắt đầu đợt tranh luận vừa rồi nhưng có thể "cuối cùng cũng vào xe hơi được" khi kết thúc. 
 
"Chúng ta nên có một cuộc kiểm tra chất kích thích," ông nói. 
 
Ông không đưa ra bất cứ bằng chứng nào cho cáo buộc của mình. 
 
Trong khi đó nhóm tranh cử của bà Clinton đã tấn công luận điểm của ông Trump cho rằng những phụ nữ cáo buộc ông quấy rối tình dục là một phần trong kế hoạch để giúp bà Clinton có được phiếu bầu. 
 
Việc bỏ phiếu cần được khuyến khích và không nên "bị bỏ qua hoặc phá hoại vì một ứng cử viên sợ rằng ông ấy sẽ thua", người điều hành chiến dịch tranh cử của bà Clinton Robby Mook nói. 
 
Ông Mook cho biết ông trông đợi số lượng cử tri đi bầu kỷ lục vì các cử tri có thể thấy qua những gì mà ông mô tả ông Trump là "nỗ lực đáng xấu hổ để phá hoại cuộc bầu cử vài tuần trước khi bắt đầu". 
 
Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan nói ông "hoàn toàn tự tin" rằng cuộc bầu cử tháng 11 sẽ diễn ra "trung thực", theo người phát ngôn của ông AshLee Strong.
 
Ông Ryan, một trong những quan chức cao cấp nhất của Đảng Cộng Hòa, nói ông sẽ không bảo vệ ông Trump khi xảy ra sự việc đoạn video với những bình luận tục tĩu của ông Trump xuất hiện. 
 
Cáo buộc quấy rối tình dục mới đây nhất do một cựu thí sinh dự thi chương trình truyền hình thực tế Apprentice mô tả lại sự việc xảy ra năm 2007 và một phụ nữ mô tả một sự việc xảy ra từ đầu thập niên 1990. 
 
Ông Trump chối bỏ các cáo buộc. 
 
"Không có chuyện gì từng xảy ra với những phụ nữ đó cả. Tất cả hoàn toàn là những sự dựng chuyện vô nghĩa để đánh cắp cuộc bầu cử. Không có ai tôn trọng phụ nữ hơn tôi đâu!" Ông Trump viết trên Twitter. 
 
Cuộc tranh luận được truyền hình trực tiếp sắp tới sẽ diễn ra vào thứ Tư 26/10. - BBC
 
Tin Việt Nam
 
7.Chưa hết mưa lũ, miền Trung Việt Nam lại sắp hứng bão mạnh
 
Bão Sarika đang di chuyển nhanh trên biển Đông, trực tiếp đe dọa miền Trung Việt Nam, trong khi lụt lội nghiêm trọng tại khu vực này đã làm ít nhất 11 người thiệt mạng.
 
Trước khi hướng ra biển Đông, sáng hôm nay, 16/10, cơn bão với sức gió lên tới 130km/giờ đã ập xuống đảo Luzon của Philippines, buộc hơn 12 nghìn người phải sơ tán.  
 
Báo điện tử VnExpress dẫn lời ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương, nhận định rằng Sarika có thể “là cơn bão nguy hiểm và mạnh nhất trong vài năm gần đây vào Việt Nam”.
 
Trong khi đó, áp thấp nhiệt đới hình thành từ ngày 13/10 ở các tỉnh ở miền trung Việt Nam, gây nên đợt mưa lớn và làm ngập lụt trên diện rộng ở Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế.
 
Báo chí trong nước cho hay, tình hình ngập lụt khiến “hàng chục nghìn nhà dân ở các vùng bị ảnh hưởng chìm trong nước”, “gây chia cắt nhiều khu vực” và “gây thiệt hại nặng về người và tài sản”.
 
Reuters dẫn lại VTV đưa tin rằng có hàng chục du khách nước ngoài trong số các hành khách trên nhiều chuyến tàu bị kẹt tại khu vực bị ảnh hưởng, trong khi nhiều chuyến bay tới miền Trung bị hủy.
 
Công điện của Thủ tướng Việt Nam đăng tải trên trang web của chính phủ “gửi lời thăm hỏi, chia sẻ đối với đồng bào và chính quyền địa phương, chia buồn sâu sắc đến thân nhân các gia đình có người bị thiệt mạng và yêu cầu chủ động phòng, chống lũ, hạn chế thiệt hại về người và tài sản của nhân dân và nhà nước”.
 
Ngoài mưa lớn, việc thủy điện xả lũ còn khiến hàng nghìn hộ dân ở huyện Hương Khê, Hà Tĩnh, “bị cô lập, chờ tiếp tế”, theo VnExpress. Chủ tịch huyện này được trích lời cho rằng, hàng nghìn hộ dân bị ngập sâu "không kịp trở tay" do nhà máy thủy điện Hố Hô xả lũ bất ngờ.
 
Trong khi giám đốc thuỷ điện nói rằng đã "xả lũ đúng quy trình", việc làm này đang vấp phải nhiều chỉ trích trên các trang mạng xã hội.
 
Viết trên trang Facebook, luật sư Võ An Đôn đã kêu gọi "nhân dân miền trung hãy làm đơn khởi kiện những thủy điện đã xả nước gây lũ lụt". - VOA
 
8.Quan ngại quanh Dự thảo Luật về Hội
 
Các nhà hoạt động, giới luật sư lên tiếng về Dự thảo Luật về Hội dự kiến được đưa ra thảo luận và thông qua tại kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa 14 sắp diễn ra.
 
Theo kế hoạch, kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa 14 diễn ra từ ngày 20/10 đến 22/11.
 
Dự thảo Luật về Hội do Bộ Nội vụ chủ trì soạn thảo, với bản mới nhất đã được hoàn thiện vào ngày 10/10/2016, trang tin Tuyên Giáo nói.
 
Một trong những nội dung được công luận quan tâm là Luật về Hội trong bối cảnh người dân ngày càng ý thức hơn về quyền của họ.
 
Hôm 15/10, trả lời BBC từ Hà Nội, nhà văn Phạm Thành, chủ blog Bà Đầm Xòe, nói: "Điều tôi bức xúc nhất về Dự thảo Luật về Hội là chính quyền buộc các hội phải có tính pháp nhân mới được hoạt động." 
 
"Nghĩa là chính quyền chỉ thừa nhận những hội mà họ có thể chi phối sự hoạt động." 
 
"Như thế rõ ràng là chống lại quyền của người dân và vi phạm những Công ước quốc tế về nhân quyền mà Việt Nam đã ký kết." 
 
"Mặt khác, với những điều khoản khắt khe như buộc các hội đoàn không được nhận tiền từ các tổ chức nước ngoài, chính quyền dường như chỉ muốn hội là cánh tay nối dài của họ thôi." 
 
Ông cũng dự báo: "Khó có khả năng chính quyền tiếp nhận những phản biện từ người dân mà họ sẽ thông qua Dự thảo Luật theo ý họ." 
 
"Có thể chính quyền đang bị áp lực từ nhiều phía và cũng lo ngại giới dân chủ tạo sức ép qua các hội đoàn."
 
Luật 'phản động'
 
Cùng thời điểm, luật sư Trần Vũ Hải cho biết: "Nếu dự thảo này thành luật, những công dân tham gia những nhóm hội mà không đăng ký pháp nhân được nhà nước công nhận, hóa ra công dân tham gia các hội bất hợp pháp."
 
"Như vậy, một luật biến công dân lương thiện thành người vi phạm pháp luật là một luật 'phản động'. 
 
"Nhà nước quá quan tâm đến quản lý thắt chặt hội, nên nếu dự luật này thông qua phải đổi tên là Luật hạn chế Hội." 
 
"Lẽ ra Dự luật phải quy định Nhà nước đảm bảo và khuyến khích công dân thực hiện quyền lập hội như thế nào, tạo điều kiện cho hội hoạt động ra sao."
 
Trong một diễn biến khác, báo Pháp Luật TP Hồ Chí Minh hôm 15/10 viết: "Hiến pháp 1992 cho đến Hiến pháp 2013, tức là 24 năm qua, đã ghi nhận quyền tự do lập hội của công dân." 
 
"Thế nhưng một đạo luật để cụ thể hóa quyền quan trọng này vẫn chưa được hoàn thiện. Dự thảo Luật về Hội đưa vào, rút ra rất nhiều lần." 
 
"Trong khi thực tế các hội, đoàn vẫn tồn tại như một điều tất yếu và đóng góp không nhỏ vào ổn định xã hội và thịnh vượng quốc gia".
 
"Nhiều 'sai lệch' cần tháo gỡ"
 
Trong tuần, một cuộc hội thảo nhằm đóng góp ý kiến cho dự thảo Luật về Hội đã diễn tại Hà Nội, với sự tham gia của hơn 30 chuyên gia, khoa học gia đến từ các tổ chức chính trị, xã hội khác nhau, cùng sự có mặt của Bộ Nội vụ.
 
Theo đánh giá chung của những người tham dự, bản dự thảo này "còn những điểm 'sai lệch' cần tháo gỡ", trang tin Tuyên Giáo nói, bởi có những "bó hẹp về quan điểm, cách nhìn nhận, chưa hướng mạnh mẽ đến bảo đảm "quyền lập hội" mà dường như chỉ chú trọng đến công việc quản lý Nhà nước chặt chẽ hơn đối với hội".

Theo dự thảo hiện thời, Luật về Hội không áp dụng đối với Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam, Công đoàn Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Hội Cựu chiến binh Việt Nam. - BBC
 
          © Tác giả gửi bài đến Ban biên tập.
           © Diễn Đàn Người Dân ViệtNam  

No comments:

Post a Comment