Thursday, May 5, 2016

LỄ HỘI THÁNH GIÓNG
TỪ HUYỀN TÍCH “CẬU BÉ NHÀ TRỜI” …


Tất cả người Việt Nam chúng ta ai ai cũng biết Phù Đổng Thiên Vương là cậu bé nhà Trời ở làng Gióng mà dân gian thường gọi một cách sùng kính thân thương là Thánh Gióng. Truyền thống dân gian Việt trân trọng những anh hùng dân tộc, những danh nhân văn hóa, những người cứu nhân độ thế được thần thánh hóa hòa nhập cùng linh khí của đất nước tạo thành hồn thiêng sông núi. Một nữ sĩ ngoại quốc đã hết sức ngạc nhiên xen lẫn thán phục trước một: “xứ sở của huyền thoại, nơi mà huyền thoại và hiện thực đan quyện vào nhau đến nỗi khó có thể phân biệt đâu là huyền thoại đâu là hiện thực nữa”.


Từ trước đến nay các nhà viết sử cũng chưa xác định rõ được tính xác thực cũng như thời điểm của huyền tích Phù Đổng Thiên Vương nên câu truyện “Cậu bé nhà Trời” vốn thần kỳ lại trở nên huyền hoặc hơn. Thế nhưng trong niềm tin sâu thẳm của dân gian vẫn hiển hiện một Thánh Gióng, Phù Đổng Thiên Vương phá tan giặc Ân cứu dân cứu nước để dân tộc Việt tồn tại mãi tới ngày nay. Chúng ta hãy cùng nhau thả hồn về quá khứ để cùng sống thật với huyền tích “Thánh Gióng”, cậu bé nhà Trời của làng Phù Đổng thuở xa xưa …. 


Truyện Thánh Gióng trong “Lĩnh Nam Trích Quái” chép rằng: “Vào đời Hùng Vương thứ 6, thiên hạ thái bình, dân gian sống sung túc đầy đủ. Vua Ân lấy cớ nước ta thiếu lễ vật triều cống nên mượn cớ đi tuần thú để xâm chiếm nước ta. Vua Hùng nghe tin vội triệu tập quần thần vào triều bàn kế hoạch chống quân Ân xâm lược bảo vệ đất nước. Mọi người đều nhất loạt tâu với vua xin lập “đàn” cầu Đức Long Quân về để nhờ sức âm phù mới thắng được giặc. Nhà vua cho lập đàn rồi trai giới thanh tịnh, sắm lễ vật vàng bạc lụa là đầy đủ rồi thắp nhang cầu khẩn suốt 3 ngày. Sắp hết ngày thứ ba, bỗng nhiên sấm chớp đùng đùng rồi một cụ già cao lớn tiên phong đạo cốt, râu tóc bạc phơ ngồi giữa ngã ba đường cười nói múa hát. Dân quanh vùng kéo đến xem cho là bậc phi thường xuất hiện nên tâu lên vua. Vua Hùng thân hành ra bái yết rước cụ già lên “đàn”. Cụ già không ănuống gì và cũng chẳng nói năng gì mà chỉ nhắm mắt lim dim như đang cầu nguyện điều gì…. Nhà vua tới quì trước mặt ông cụ rồi mạnh dạn hỏi: “Thưa cụ nếu nay mai giặc Ân kéo đến đánh chiếm nước ta thì phải làm sao, xin cụ chỉ bảo cho”. Ông cụ ngồi yên lặng, một lát sau rút thẻ ra bói rồi mới nói với vua rằng: “Ba năm nữa giặc Ân mới sang quấy phá, vậy nay từ bây giờ phải lo rèn đúc chiến cụ, luyện tập binh sĩ cho thuần thục, sẵn sáng đánh giặc cứu nước. Đồng thời cho người đi rao tìm khắp trong nước tìm kiếm nhân tài, nếu có người tài giỏi ra giúp nước thì lo gì mà không phá được giặc Ân”. Nói rồi ông cụ bước lên không mà bay lên trời.


Nhà vua biết là Đức Long Quân giáng phàm để chỉ dậy nên cúi đầu quỳ lạy tạ hồi lâu. Vua Hùng nghe lời chỉ dậy của Long Quân cho sứ giả đi khắp nước tìm người tài giỏi ra giúp nước. Đã gần hết 3 năm nhưng vẫn chưa thấy ai ra giúp nước, bỗng một hôm sứ giả đến làng Phù Đổng thuộc quận Vũ Ninh. Trong làng có một người nhà giàu đã hơn 60 tuổi ở vậy nên không có con để nối dõi tông đường. Một hơm bà cụ bước ra ngoài vườn hái cà, vô tình đạp phải dấu chân khổng lồ chợt rùng mình, sau về nhà tự nhiên mang thai sinh hạ được một bé trai khôi ngô tuấn tú. Đứa bé ngày một lớn, đã lên 3 tuổi rồi mà vẫn chưa biết nói chỉ nằm ngửa chứ không chịu ngồi dậy. Bà mẹ thấy sứ giả đến kêu gọi người tài ra giúp nước, chạnh lòng bà nói với con rằng: “Sinh được con trai mẹ mừng lắm, thế mà con chỉ biết ăn rồi nằm chẳng chịu đi đánh giặc giúp nước giúp dân. Chẳng bõ công mẹ mang nặng đẻ đau, bú mớm nuôi nấng bấy lâu nay ..!”. Đứa bé nghe mẹ nói vậy đột nhiên ngồi bật dậy, cất tiếng nói oang oang: “Mẹ cứ ra mời sứ giả vào đây để con hỏi xem có việc gì mà nhà vua kêu gọi vậy?”. Bà mẹ vui mừng kinh ngạc chạy đi khoe với cả làng rằng: “ Bà con ơi, con tôi thằng bé đã biết nói rồi, nó lại còn đòi gặp sứ giả của nhà vua nữa các bác ạ. Tôi mừng và cũng lo quá chẳng biết làm sao?”. Mọi người trong làng thấy việc lạ lùng nên kéo nhau đến nhà xem đông nghịt rồi bảo bà mẹ cứ mời sứ giả đến xem sao. Bà mẹ vội cho mời sứ giả đến. Sứ giả tới thấy thằng bé mới có 3 tuổi thì nói: “Cháu còn bé mới chỉ vừa biết nói mà kêu ta đến đây làm gì?”. Đứa bé đột nhiên đứng dậy bảo với sứ giả rằng: “Nhà ngươi lập tức về tâu với nhà vua đúc cho ta một con ngựa sắt cao 18 thước, một gươm sắt dài 7 thước, một cái nón sắt để ta đội đi đánh giặc, giặc sẽ tan tành nhà vua việc gì phải lo”.


Sứ giả vội phi ngựa về tâu lên vua Hùng sự kiện lạ thường này. Nhà vua mừng lắm nhưng một số triều thần dị nghị cho rằng một đứa bé thì làm sao mà phá được giặc? Nhà vua nói: “Đó chính là Long Quân giúp ta đấy. Các ngươi còn nhớ lời Đức Long Quân nói 3 năm về trước không? Các ngươi chớ nên ngờ vực mà đắc tội với Long Quân”. Nói xong nhà vua cho người đi khắp nơi trong nước tìm sắt rồi cho rèn đúc thành ngựa sắt, roi sắt và nón sắt đem tới cho cậu bé. Bà mẹ thấy vậy lấy làm kinh sợ lo lắng, sợ con mình không làm được như lời nói với nhà vua sẽ đắc tội khi quân nhưng cậu bé vui cười nói với mẹ rằng: “Mẹ xem trong nhà còn gì ăn để con ăn xong sẽ lên đường đi đánh giặc, mẹ đừng lo sợ gì cả.” Bà mẹ đem hết gạo trong nhà ra nấu cơm cho cậu bé ăn nhưng nấu đến đâu cậu bé ăn hết ngay mà chẳng thấm tháp vào đâu. Hàng xóm láng giềng thấy vậy, đua nhau mang từng nong cơm, từng vại cà mắm, từng hũ rượu. Dân làng còn thịt thêm một con trâu nhưng cậu bé ăn vẫn chưa no bụng. Khi dân làng hốt hoảng báo tin cho nhau biết quân Ân đã đánh chiếm núi Trân Sơn thì cậu bé đột nhiên duỗi chân rồi vươn vai, mỗi lần vươn vai đứng dậy thì thân thể cao lên vùn vụt. Dân làng vô cùng kinh ngạc trầm trồ thán phục. Cậu bé bỗng chốc đã cao tới 18 trượng, áo quần không đủ che thân, dân làng phải lấy cây bông lau để cho cậu che thân. Cậu bé hắt hơi liền mười tiếng rồi vung gươm thét lớn: “Ta là tướng nhà trời đây!” Thét xong, cậu bé đội nón nhảy lên lưng ngựa sắt phóng như bay về hướng núi Trâu Sơn. Quân lính và cả dân làng chạy theo ào ào. Cậu bé vung gươm sắt tả xung hữu đột giết quân giặc không biết bao nhiêu mà kể. Cho tới khi roi sắt gãy, cậu bé nhổ cả bụi tre để đánh giặc. Quân Ân kinh hồn bạt vía mạnh ai sống sót tháo chạy thục mạng bỏ cả xác vua Ân nằm chết giữa trận tiền. Số sống sót quỳ lạy xin tướng nhà Trời tha mạng. Cậu bé tha chết cho chúng rồi phi ngựa lên núi Việt, cởi bỏ mũ áo rồi phi ngựa bay thẳng lên trời ..!”.


Sau khi phá tan giặc Ân, vua Hùng nhớ ơn cậu bé nhà Trời làng Phù Đổng nên phong tặng suy tôn là Phù Đổng Thiên Vương. Đến đời nhà Lý, vua Lý Thái Tổ truy phong là Xung Thiên Thần Vương và truyền cho tạc tượng ở núi Vệ Linh, lập đền thờ bên cạnh chùa Kiến Phúc ở làng Phù Đổng. Hàng năm Xuân Thu nhị kỳ (mỗi năm 2 lần) đều tổ chức tế lễ trọng thể.


Cho đến ngày nay dân gian vẫn truyền tụng mãi câu thơ tưởng nhớ công lao của Phù Đổng Thiên Vương:


“ Vệ Linh năm tháng đám mây nhàn,Muôn tía ngàn hồng chiếi thế gian ..Ngựa sắt lên trời danh lưu sử,Phù Đổng Thiên Vương của nước Nam ..!”


… ĐẾN HIỆN THỰC LỊCH SỬ


1. GIẶC ÂN XÂM LƯỢC LÀ MỘT SỰ THỰC LỊCH SỬ


Trong Nguồn Gốc Dân Tộc, chúng tôi đã chứng minh rằng nhà Hạ là của Việt tộc và lịch sử Trung Quốc chỉ mới khởi đầu từ triều Thương. Tộc Thương là tộc người du mục ở Tây Bắc nên có quan hệ huyết thống với Mông Cổ mà sách sử xưa gọi là Hung Nô (Huns) và Thổ Nhĩ Kỳ (Turc). Tộc người này có nền văn minh du mục, biết nuôi ngựa và biết sử dụng cung tên chiến xa là xe do 4 con ngựa kéo (tứ mã) được che chắn như chiến xa ngày nay là chiến thuật quân sự của du mục phương Bắc nên đánh thắng nhà Hạ của Việt tộc sống về nghề nông một cách dễ dàng. Cổ sử Trung Quốc chép: “Thành Thang tên Lý được nhà Hạ phong ở đất Thương, sau họp với chư hầu đem quân về tiêu diệt nhà Hạ. Thành Thang lên ngôi, đóng đô ở Hà Nam, đặt tên nước là Thương. Triều Thương kéo dài 612 năm kể từ năm 1766 đến 1154 TDL gồm 39 đời vua. Đến đới Bàn Canh (1401-1374 TDL) dời đô về đồi Ân nên đổi tên nước là Ân từ đó”. 


Bàn Canh chủ trương tiêu diệt Việt tộc để mở rộng lãnh thổ xuống phương Nam như lời Ngũ Tử Tư viện dẫn lời Bàn Canh chép trong bộ Sử Ký của Tư Mã Thiên như sau “Nước Việt là cái bệnh trong gan ruột của ta. Nay nhà vua nghe những lời phù phiếm, dối trá của nó mà tham đất Tề, đem quân đánh Tề. Tề cũng ví như ruộng đá không dùng vào được việc gì. Vả lại, bài cáo của Bàn Canh trong Kinh Thi có nói là có bọn cuồng loạn láo xược phải giết hết đi để cho chúng không còn con cháu một mống nào, không cho chúng làm hại cái giống tốt ở ấp này … Đó là điều làm cho triều Thương hưng thịnh. Xin nhà vua bỏ Tề mà đánh nước Việt trước. Nếu không làm thế thì sau này có hối cũng không kịp nữa …”. Như vậy, huyền tích Phù Đổng Thiên Vương chép trong Lĩnh Nam Trích Quái phải xảy ra vào khoảng sau thời điểm 1.401-1374 TDL là thời vua Bàn Canh của triều Ân. Để làm sáng tỏ sự kiện lịch sử này chúng ta phải căn cứ vào các nguồn thư tịch cổ cùng với một số “Ngọc Phả” như:


- “Bách Việt Ngọc Phả Truyền Thư” ở làng Vân Nội xưa kia thuộc Thanh Oai Hà Nội do Tộc trưởng Nguyễn Đức chép Gia Phả và Quốc Phả ghi rõ năm thứ tư Tân Mùi 971, niên hiệu Thái Bình Thiên Quốc đời Đinh Tiên Hoàng.
- “Nam Việt Hùng Vương Ngọc Phả Vĩnh Truyền” soạn ngày 25 tháng giêng niên hiệu Thiên Phúc năm thứ nhất đời vua Lê Đại Hành tức năm 980.- “Cổ Việt Hùng Thị Thập Bát Diệp Thánh Vương Ngọc Phả Cổ Truyện” do Hàn Lâm Viện Trực Học Sĩ Nguyễn Cố soạn năm Hồng Đức Đệ tam niên tức năm Nhâm Thìn 1472 đời vua Lê Thánh Tông.- “Hùng Vương Sự tích Ngọc phả Cổ truyện” của Nguyễn Như Đỗ thời Lê biên soạn.- “Ngọc phả” Xã Hi Cương Vĩnh Phú và các xã quanh vùng đền thờ vua Hùng.


Theo các nguồn thư tịch này thì không phải là 18 đời mà là 18 chi, mỗi chi gồm nhiều đời vua. Thứ tự 18 chi tính theo thập Can và thập nhị Chi là Giáp, Ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỷ, Canh, Tân, Nhâm, Quí, Tý, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi. Mỗi vị vua đứng đầu một chi phong cho nhiều nhánh, tất cả đều lấy vương hiệu của vị vua đứng đầu chi ấy. Theo các nguồn thư tịch này thì chi Đoài tức tức là chi thứ 8 ghi rõ: “Hùng Vĩ Vương huý Văn Lang, sinh năm Nhâm Thìn 1469 TDL, lên ngôi năm 39 tuổi, truyền 5 đời vua đều xưng là Hùng Vĩ Vương. Chi này ở ngôi tất cả 100 năm từ năm Canh Ngọ 1431 TDL đến năm 1332 TDL ngang với thời Bàn Canh của triều Ân Trung Quốc”. Tuy gọi là chi thứ 8 nhưng nếu trừ Kinh Dương Vương và Lạc Long Quân thì đúng như Lĩnh Nam Trích Quái chép là Hùng Vương thứ sáu. Thực tế này lại phù hợp với truyện cổ tích họ Hồng Bàng kể rằng năm mươi con theo mẹ cùng cử người con trưởng lên làm vua, lấy hiệu là Hùng Vương, đặt tên nước là “Văn Lang”. 


Thực tế lịch sử này được chính cổ sử Trung Quốc chép: “Đời Cao Tông nhà Ân vượt Hà đánh nước Quỷ Phương 3 năm không thắng!”. Trong Chu Dịch phần quẻ Ký Tế, hào 3 có nói: “Vua đánh các nước Quỷ 3 năm mới được, chớ dùng tiểu nhân …”. Như vậy huyền tích Phù Đổng được xác định bởi sử triều Thương Trung Quốc cho ta biết là việc giặc Ân tiến đánh Văn Lang là có thật. Thực tế lịch sử cho ta thấy rằng lãnh thổ Văn Lang thời đó còn ở vùng Quý Châu Trung Quốc.


⦁ CƯƠNG GIỚI VĂN LANG ĐỜI VUA HÙNG


Theo cổ sử Trung Quốc thì lãnh thổ triều Thương Ân thời đó chỉ vỏn vẹn phía Nam tỉnh Hà Bắc, phía Tây tỉnh Sơn Đông khoảng 2 tỉnh ngày nay mà thôi. Bao quanh là hàng trăm nước nhưng trên thực tế là những chi tộc trong cộng đồng Bách Việt gồm những dòng họ lớn như họ Thái Hạo là họ của Phục Hi, họ Thiếu Hạo là họ của Thần Nông, họ Doanh, họ Yểm …


Theo sách “Địa Lý Tối Tân Trung Quốc Phân Tỉnh Đồ” của Trung Quốc do nhà xuất bản Bắc Kinh ấn hành thì nước Quy Phương thời đó là tỉnh Quý Châu bây giờ. Như vậy bộ Vũ Ninh xưa nằm ở Quý Châu, lúc đó có tên là Dạ Lang. Vùng lòng chảo từ Tam Giang Bắc xuống tới Ba Thục là vùng đất đỏ Basalt mới bồi nên “Kinh Thư” gọi vùng này là “ Xích Quy Phương”. Chính vì thế mà Kinh Dương Vương đã lấy tên đất vùng này làm tên nước thời cổ đại là Xích Quy. Triều Chu tự cho là văn minh nên gọi các nước khác là quỉ, sau khi đánh thắng 9 nước chư hầu Chu Công Quý Lịch đã gọi 9 nước này là cửu quỷ. Các sử gia Hán đã lợi dụng sự đồng âm dị tự của chữ Quy để viết là Quỷ. Hán tộc thâm độc đã triệt tiêu văn tự Việt cổ, bóp méo sửa đổi sự thật lịch sử đã qua hàng ngàn năm nên việc phục hồi sự thật khách quan của lịch sử là vấn đề hết sức cần thiết đặt ra cho mỗi chúng ta, những con dân Việt ngày hôm nay.


⦁ NỀN VĂN MINH KIM KHÍ CỦA VIỆT TỘC


Dấu ấn đặc biệt để lại trong chúng ta mỗi khi nhớ tới huyền tích Phù Đổng Thiên Vương là hình ảnh “Cậu bé nhà Trời” cưỡi con ngựa sắt xông pha trận mạc như chỗ không người. Dẹp xong giặc rồi bỏ áo mũ lại phi ngựa sắt bay vút lên trời cao. Vấn đề là tại sao không cưỡi ngựa thường hay ngựa thần mà lại là ngựa sắt? Phải chăng ngay từ thời vua Hùng thứ 6, Việt tộc đã rèn đúc được vũ khí bằng đồng thau và sắt? Ngày nay các nhà nghiên cứu đều thừa nhận là trên địa bàn cư trú của đại chủng Bách Việt (Malayo-Protoviets) có 5 trung tâm luyện đồng nổi tiếng. Năm trung tâm này tạo thành một không gian văn hóa hình bình hành mà cạnh trên từ vùng Kinh-Sở ở phía Đông chạy dài sang phía Tây tới vùng Mogaung Bắc Miến Điện, cạnh dưới từ vùng Attsam với 2 thành phố Harappa và Mohenjo Daro phía Đơng Ấn Độ chạy dài tới phía Đông trung tâm Đồng cổ Đông Sơn ở Bắc Trung Việt và ở giữa là trung tâm Vân Nam của Điền Việt.


Kết quả của các công trình nghiên cứu và khảo cổ học đã chứng minh rằng nghề luyện kim đồng thau của Việt tộc đã ra đời từ lâu trước sự ra đời của văn hóa Đông Sơn và đã đạt trình độ hết sức điêu luyện. Thời Đông Sơn là thời kỳ văn hóa rực rỡ của người Việt cổ với nghề luyện kim đồng thau đã đạt đến đỉnh cao. Theo nhà bác học Trung Quốc Lăng Thuần Thanh thì dân “Bộc Việt” đã biết chế tạo trống đồng trong khi Hán tộc chưa biết tới đúc đồng là gì. Khi triều Chu sai Tần Mục Công đánh “Khuyển Nhung” tức người Việt cổ chi Lạc bộ Chuy, Tần Mục Công đã lấy được một chiếc trống đồng của người Lạc Việt. Ngoài chiếc trống đồng Ngọc Lũ tìm thấy năm 1914 khi đào đất đắp đê sông Hồng, các nhà khảo cổ đã tìm thấy hàng trăm chiếc trống đồng trong lãnh thổ Việt Nam. Ngày nay cả thế giới đều biết đến trống đồng Việt nam, một di vật đồng thau tiêu biểu nhất không chỉ riêng của Việt Nam mà còn là di sản chung của cả nhân loại nữa.


Đồng thau là hợp kim tốt có tỉ lệ đồng hơn 80% và thiếc khoảng 15% chứng tỏ sự phát triển cao của kỹ thuật hợp kim đồng thau cũng như kỹ thuật rèn đúc đã đạt trình độ cao. Các nhà nghiên cứu tìm thấy trong thành phần hợp kim đồng thau có tỉ lệ đồng và thiếc giảm xuống, tỉ lệ chì tăng lên để có một hợp kim dẻo hơn dễ bề tạo các chi tiết khi đúc và trang trí hoa văn hơn. Điểm đặc biệt là tuỳ theo công dụng của dụng cụ mà thành phần các kim loại trong hợp kim gia giảm như mũi tên đồng Cổ Loa có một tỉ lệ thích hợp để bảo đảm sức xuyên phá và độ bay xa nên người chế tạo đã đúc 95% đồng, chì từ 3,4 đến 4,2% và phần còn lại là kẽm. Trong khi đó, lưỡi dáo Thiệu Dương cũng như các loại rìu phải có tỉ lệ 73,3% đồng và 13,2% thiếc, chì 5,9% để có độ sắc bén vô cùng. Ngày nay các nhàluyện kim cho rằng hợp kim đồng thiếc chì là một sáng tạo độc đáo với kỹ thuật luyện đồng của người Việt cổ mà đặc trưng là hợp kim đồng thau có hàm lượng chì cao có khi lên tới 20%. Theo các nhà nghiên cứu trong tác phẩm thời đại Hùng Vương thì không phải là đồng trong các đồ đồng nguyên chất lấy trong giới tự nhiên mà là đồng rút ra từ việc lấy quặng. Từ các quặng đồng quặng chì, cư dân Văn Lang đã luyện được các hợp kim khác nhau như hợp kim đồng chì. Kết quả phân tích quang phổ thành phần hợp kim thời đại Hùng Vương cho biết hàm lượng đồng trong các đồ đồng chiếm từ 80-90%, hàm lượng thiếc từ 10-20%. Hợp kim có tỉ lệ đồng và thiếc như thế là hợp kim tốt có thể dùng để chế tạo các dụng cụ bền và chắc, đặc biệt là tỉ lệ hợp kim tương đối ổn định. Điều này chứng tỏ ông cha chúng ta ngay thời đại Hùng Vương đã có những tri thức vững chắc về kỹ thuật luyện kim. 


Giới khảo cổ cũng tìm thấy một di chỉ lưỡi móc sắt ở Gò Chiền có niên đại C 14 # 2.400 năm. Điều này chứng tỏ Việt tộc đã tiến lên thời luyện kim đồng pha cách đây hàng mấy ngàn năm, ít ra là vào khoảng thiên niên kỷ thứ 3 TDL. Như vậy, có thể vào đời Hùng Vương thứ 6, Việt tộc đã bước vào thời đại đồ sắt nên huyền tích Phù Đổng Thiên Vương mới kể chuyện vua Hùng sai người đi tìm sắt rồi đúc ngựa sắt, roi sắt, nón sắt cho cậu bé nhà Trời. Tuy bước vào thời đại đồ sắt nhưng mới chỉ ở giai đoạn đầu vì chuyện kể roi sắt bị gãy khiến cậu bé phải nhổ từng bụi tre để đánh giặc. Thực tế lịch sử trên hoàn toàn phù hợp với niên đại thành lập nước Xích Quy trong truyền thuyết.


5. TÊN VIỆT XUẤT HIỆN LẦN ĐẦU TRONG LỊCH SỬ.


Đại Việt Sử lược chép về nguồn gốc và tên của dân tộc ta như sau: “Thời Hoàng Đế dựng muôn nước, cho Giao Chỉ là ở phía Tây Nam ở xa ngồi đất Bách Việt. Vua Nghiêu sai Hi Thị đến Nam Giao để định đất Giao Chỉ ở phương Nam. Vua Vũ chia chín châu thì Bách Việt thuộc về châu Dương, Giao Chỉ thuộc về đấy. Thời Thành Vương mới gọi là Việt Thường Thị, tên Việt bắt đầu từ đấy”. Sách “Thượng Thư Đại Truyện” và “Hậu Hán Thư” đều chép là thời Chu Thành Vương có họ Việt Thường dâng chim Trĩ trắng. Theo Trần Quốc Vượng và Hà văn Tấn thì chữ Việt thời cổ tượng hình cái búa và nước Việt ở Triết Giang vì sản xuất ra búa nên lấy làm tên gọi. Thực ra tên gọi dân tộc Việt đã có ngay từ thời Thương Ân sau chiến thắng của “cậu bé nhà Trời” và quân dân Văn Lang trong huyền tích Phù Đổng Thiên Vương được chính cổ sử của Trung Quốc xác nhận. Giặc Ân đã kinh hoàng khiếp vía trước tinh thần chiến đấu của người Việt cùng với sự xuất hiện của một loại vũ khí lợi hại của người Việt, đó chính là lưỡi búa “Phủ Việt” khiến mấy trăm năm sau chúng cũng không dám xâm phạm bờ cõi Văn Lang. Giặc Ân đã dùng tên gọi loại vũ khí độc đáo này để gọi tên dân tộc ta là bọn “Rìu (Việt)”.


Theo Vệ Tụ Hiền trong sách “Ngô Việt Thích Danh Thuyết” thì chữ Việt chỉ tên dân tộc chính là chữ Việt chỉ tên cái búa rìu (Phủ Việt). Chữ Việt nguyên thuỷ này gồm một nét ngang dài và một cái móc ở dưới. Theo nhà nghiên cứu Bình Nguyên Lộc thì sở dĩ Hán tộc dùng chữ tượng hình này để chỉ Phủ Việt là cái búa, loại vũ khí lợi hại của Việt tộc đã làm giặc Ân khiếp vía kinh hoàng. Đó là chiếc rìu chiến lưỡi bằng đồng pha cán ngắn thoạt đầu dùng để phóng đi cắt đầu đối phương, sau này mới chế biến lại cán dài dùng để chém. Phủ Việt là loại vũ khí độc đáo lợi hại nên được xem như bản sắc riêng của Việt tộc, chính vì thế tên dân tộc ta gắn liền với loại vũ khí độc nhất vô nhị này. Các nhà khảo cổ ở viện Viễn Đông Bác cổ ở Hà Nội thời Pháp thuộc đã đào được ở Quốc Oai giữa Hà Đông và Sơn Tây một lưỡi búa rìu bằng đồng pha mà người Việt gọi là búa mặt nguyệt vì nó trông giống mặt trăng hình lưỡi liềm. Các nhà bác học này đã phục chế lại bằng cách thêm một nhánh cây làm cán thì thấy chữ Việt nguyên thuỷ này có tự dạng giống hệt lưỡi rìu Phủ Việt. 


Trong Hán ngữ thì chữ Việt là cái rìu còn chữ phủ là cái búa. Ngày nay chữ Việt chỉ cái búa rìu viết có hơi khác một chút, một bên là chữ kim một bên là chữ thích (rìu) để phân biệt với tên dân tộc Việt.



4. HUYỀN TÍCH PHÙ ĐỔNG THIÊN VƯƠNG THỂ HIỆNÝ CHÍ VÀ SỨC MẠNH TOÀN DÂN BẢO VỆ ĐẤT NƯỚC.


Câu truyện “Cậu bé Nhà Trời” sinh ra đã 3 năm nhưngchỉ nằm ngửa không nói không cười rồi đột nhiên cất tiếng nói khi sứ giả nhà vua truyền hịch báo “Tổ quốc lâm nguy” kêu gọi toàn dân nổi lên nhất tề lên đường giết giặc cứu nước cứu dân. Việc vua Hùng kêu gọi hiền tài ra giúp nước chứng tỏ chính sách cầu hiền, trọng dụng người tài ra giúp dân giúp nước. Hình tượng cậu bé làng Phù Đổng không nói suốt 3 năm biểu tượng cho lòng yêu nước thương nòi luôn luôn tiềm ẩn trong lòng mọi con dân nước Việt. Đột nhiên cậu bé cất tiếng nói khi sứ giả nhà vua kêu gọi hiền tài ra giúp nước chứng tỏ rằng khi tổ quốc lâm nguy thì tất cả mọi người trẻ già trai gái đều một lòng hi sinh cứu nước. Thật vậy khi nhà vua cho người đem ngựa sắt roi sắt nón sắt đến thì mọi người trong làng, kẻ mang nong cơm người mang vại mắm, lu cà đến để cậu bé ăn. Mỗi lần ăn xong, cậu bé lại vươn vai thân thể càng cao lớn hơn hàm ẩn ý nghĩa thâm sâu là một khi toàn dân tất cả một lòng, huy động hết nhân lực vật lực, tài lực thì sức mạnh của nhân dân ngày một phát huy đến cao độ. Sức mạnh đó tạo thành phong trào rồi thành cao trào toàn dân yêu nước kháng chiến chống giặc ngoại xâm trào dâng như thác đổ với khí thế đạp đầu thù, xem cái chết “nhẹ như lông hồng”, nguyện “da ngựa bọc thây” để cứu dân cứu nước. Lịch sử Việt đã chứng minh sức mạnh vô địch của lòng yêu nước thương nòi đã đánh bại bất cứ đạo quân xâm lược nào dù chúng nấp dưới chiêu bài hoa mỹ mị dân nào!


Huyền tích Phù Đổng còn cho chúng ta thấy một chân lý là không thể hoàn toàn trông cậy vào đội quân chính quy, vào vũ khí hiện đại mà phải dựa vào nhân dân qua hình tượng Phù Đổng và dân làng Phù Đổng.



Theo dân gian kể lại thì điều đặc biệt là những hố chân ngựa lạ lùng này hố nào cũng tròn vo, đường kính khoảng 10-15 mét, nước chỉ sâu khoảng 60 cm nhưng tát nước không bao giờ cạn. Dưới đáy hồ là bùn loãng nhưng mặt đáy hồ lại là đất cứng, tát nước xong 15 phút sau không biết nước từ đâu ra hồ nước lại đầy. Dân gian kể lại rằng không biết cá từ đâu bơi vào hồ, thường thường cứ 10 ngày tát một lần nhưng khoảng 3 ngày sau lại thấy có những con cá chuối (cá lóc) to bằng cổ tay. Chính tại nơi có những vết chân ngựa này vua Hùng đã cho xây đền thờ Phù Đổng Thiên Vương còn ghi lại trên văn bia Đền Thượng Thánh Sóc Sơn. Dưới đền Hạ có pho tượng Phù Đổng Thiên Vương đúc bằng đồng trên trán có khắc 3 chữ “Thánh, Thần, Vương”. Đó là tước hiệu mà nhân dân tôn sùng ngài vừa là Thánh, vừa là Thần làng và vừa là Vua của Việt tộc. Bước lên đền Thượng có pho tượng Thánh làm bằng gỗ trầm hương mà theo dân gian thì đó chính là cái cây mà Thánh Gióng đã treo áo trước khi bay về Trời.


Sách sử Việt còn ghi lại rằng khi quân Tống sang đánh nước ta, vua Lê Đại Hành được Thánh báo mộng và chỉ bảo cách đánh giặc. Sau khi chiến thắng quân Tống vua Lê Đại Hành đã gia phong Thánh tước hiệu: “Sóc Sơn Đổng Thiên Vương, Đà Giang Hiển Thánh, Phù Thánh Giá Đại Vương, Thượng Đẳng Sơn Thần”. Vua Lê còn cử Khuông Việt Đại sư Ngô Chân Lưu sửa lại ngôi đền, tạc tượng thần và dựng thêm chùa Đại Bi bên cạnh. Cũng trên đền Thượng còn một câu đối rất hay mà theo dân gian thì đó chính là câu đối của Nguyễn Du khi viếng đền như sau:


“ Thiên giáng Thánh nhân Bình Bắc lỗ,Địa lưu Thần tích Trấn Nam Bang”.
Trời giúp Thánh nhân trừ giặc Bắc,Đất lưu Thần tích giữ nước Nam …


Truyền kỳ Phù Đổng Thiên Vương gắn liền với Quốc Tổ Hùng Vương nên dân gian Việt vẫn truyền lưu câu ca dao:


“Tháng Giêng giỗ Thánh Sóc Sơn,Tháng ba giỗ Tổ Hùng Vương nhớ về!”


Hội Gióng đền Sóc là một trong những lễ hội dân gian lớn của Việt tộc. Lễ hội bắt đầu từ lúc nửa đêm ngày mồng 6 đến hết ngày mồng 8 tháng Giêng hàng năm. Trong khi đó, tại làng Phù Đổng lại tổ chức lễ hội vào ngày mồng 8 tháng tư hàng năm. Dân gian địa phương thường ví von rằng làm người dân Việt mà không nhớ đến Quốc Tổ, không về dự lễ hội Thánh Gióng thì cũng uổng một đời người, không xứng đáng là con Rồng cháu Tiên: “Ai ơi mồng tám tháng tư, Không xem hội Gióng cũng hư một đời…”. Dù trải qua hàng ngàn năm lịch sử nhưng trong tâm thức Việt vẫn ghi đậm ấn tích Phù Đổng Thiên Vương. “Cậu bé nhà Trời” người anh hùng thần thoại của Việt tộc đã đánh thắng giặc Ân lần đầu tiên trong lịch sử, mở đầu cho thiên trường ca bi hùng hoành tráng của Việt tộc. Bài học lịch sử từ huyền tích Phù Đổng Thiên Vương sẽ đưa dân tộc vươn lên ngang tầm thời đại nếu chúng ta biết cùng chung lưng đấu cật để đưa dân tộc đi lên sánh vai cùng các cường quốc trên thế giới:


“Hoa văn hiến sáu ngàn năm lịch sử,Tiếng trống Đồng vang dội khắp trời Nam Huyền thoại Rồng Tiên thông điệp muôn ngànVăn minh Việt mở đầu trang sử mới …Phùng Nguyên, Đông Sơn, Trống Đồng Ngọc LũHoa văn xưa in dấu mãi ngày nay Bao nhiêu năm mới có được ngày nàyDân tộc Việt vươn mình như Phù Đổng!” PHẠM TRẦN ANH

No comments:

Post a Comment