Tuesday, August 30, 2016







Hội đồng Liên tôn Việt Nam
Tuyên bố về hiện tình tôn giáo nhân 71 năm chế độ Cộng sản

Suốt 71 năm áp đặt lên Đất nước chế độ độc tài toàn trị và vô thần duy vật, đảng và nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam luôn coi tôn giáo là kẻ thù và các giáo hội là những thế lực cần phải tiêu diệt. Tùy lúc và tùy nơi, CSVN áp dụng luân phiên hai thứ bạo lực đối với tôn giáo: bạo lực vũ khí và bạo lực hành chánh, nhằm làm cho các giáo hội tốt nhất là biến khỏi xã hội, biến khỏi lịch sử, hay nếu có tồn tại vì nhu cầu của quần chúng và nhờ sự hỗ trợ của quốc tế, thì cũng phải tiêu tùng bản chất, đánh mất vai trò, suy giảm ảnh hưởng, để chỉ còn là chậu cảnh trang trí cho chế độ, công cụ ngoan ngoãn của nhà nước và là bung xung lừa gạt quốc tế về một trong những tự do quan trọng nhất của con người. 

Trong hiện tình, nhà cầm quyền CSVN thấy tôn giáo vẫn còn là lực cản của chế độ và thấy một số giáo hội vẫn còn giữ được bản chất lẫn vai trò, cụ thể là đang làm sợi dây liên kết nhân dân, ngọn đuốc hướng dẫn quần chúng và sức mạnh tác động xã hội. Điển hình là những cuộc xuống đường biểu tình của giáo dân Công giáo tại Giáo phận Vinh, nhân thảm họa môi trường biển do tập đoàn Formosa gây ra từ tháng 4 đến giờ. Do đó nhà cầm quyền gia tăng đàn áp tôn giáo trên hai phương diện:

1- Trên phương diện lý thuyết (luật pháp)

Nhà cầm quyền CSVN đang ra sức rèn cho xong cái ách tròng cổ, sợi xích trói người là Luật Tôn giáo tín ngưỡng, để thay thế Pháp lệnh tín ngưỡng tôn giáo ban hành từ năm 2004. Dù bị các tôn giáo chính truyền, phi quốc doanh, chân thành góp ý, kiến nghị sửa đổi hoặc dữ dội phê bình, nhà cầm quyền, qua Ban tôn giáo chính phủ và cục tôn giáo bộ Công an, vẫn quyết tâm soạn cho xong Luật tôn giáo tín ngưỡng để sớm ban hành, ngoài ý muốn, nhu cầu và ích lợi của các tín đồ tại Việt Nam. Nó chắc chắn sẽ củng cố cơ chế “xin-cho” phi lý, vô luật và tàn bạo để dẹp yên tiếng nói và triệt tiêu hành động đấu tranh cho công lý, sự thật, tình thương và tự do của các tôn giáo, để đảng yên tâm trường trị trên cõi đất Việt. 

2- Trên phương diện thực tế (hành xử).

Công luận tiếp tục thấy nhà cầm quyền CSVN tiếp tục sách nhiễu, cấm cản và cướp bóc, tàn phá các tôn giáo. Cụ thể như sau trong thời gian gần đây:

a- Đối với Giáo hội Phật giáo Hòa hảo Thuần túy:

- Cụ Nguyễn Văn Điền, Hội trưởng Giáo hội Trung ương, từ đầu năm 2016 đến nay, nhiều lần bị công an tỉnh Đồng Tháp ngăn chặn không cho ra khỏi nhà khi có lễ đạo hoặc đi đám giỗ, đám lễ tuần... Gần nhất, ngày 3-8-2016, công an cản trở cụ đi đám giỗ một đồng đạo.

- Các khóa niệm Phật của GHPGHH Thuần túy định kỳ hàng tháng tại tư gia các trị sự viên tỉnh Vĩnh Long thường xuyên bị công an đến lập biên bản, không cho thực hiện quyền tự do tín ngưỡng này. Cảnh sát giao thông chặn đường ngăn cản đồng đạo đến niệm Phật. Ai vào được khi ra về thì bị cảnh sát hình sự đón bắt, hăm dọa cấm đến lần sau. Ngoài ra an ninh còn tới từng gia đình tín đồ, vận động PGHH không được thực hiện sinh hoạt tôn giáo chính đáng và cần thiết ấy. Thậm chí công an mật vụ còn giả côn đồ hành hung họ, như đánh anh Nguyễn Ngọc Tân trị sự viên GHTƯ, bà Nguyễn Thị Liên trị sự viên Giáo hội tỉnh Vĩnh Long ngày 22-4-2016.

- Ngoài ra an ninh chìm còn chơi trò ném đá gạch, mắm tôm, hột vịt thối vào nhà các trị sự viên như các ông Nguyễn Ngọc Tân, Nguyễn Văn Hầu, Nguyễn Quốc Trung ở tỉnh Vĩnh Long; Nguyễn Văn Thiết ở tỉnh Đồng Tháp.

b- Đối với Giáo hội Tin lành

- Từ nhiều năm nay, Mục sư Nguyễn Công Chính, nguyên lãnh đạo Giáo hội Liên hữu Lutheran Việt Nam-Hoa Kỳ nhưng đang bị án tù bất công 11 năm tại Gia Lai, là một trong những nạn nhân nổi bật. Mới đây, ngày 17-8-2016, bà Trần Thị Hồng vợ Mục sư vào trại giam An Phước tỉnh Bình Dương để thăm nuôi chồng. Bà thấy Mục sư được đưa tới phòng thăm nuôi có cán bộ kẹp 2 bên, trong một tình trạng hết sức suy kiệt. Ông cho biết đó là do đã cùng một số tù đồng đạo tuyệt thực kể từ ngày 09-08-2016 để một đàng phản đối cách giam giữ vô nhân đạo ở trại, đàng khác để tiếp tục kêu oan về bản án bất công mà ông đã và đang gánh chịu. Ông cho biết các lá đơn kêu oan của mình đã không được gửi đến cấp cao như yêu cầu. Ngược lại trại trả thù bằng cách cách ly, không cho ông được hưởng những quyền lợi tù nhân thường được hưởng, thậm chí còn ép các phạm nhân hình sự chửi bới đánh đập ông liên tục.

- Về bà Trần Thị Hồng, vào cuối tháng ba vừa qua, phái đoàn đại sứ lưu động về tự do tôn giáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đến Gia Lai và có hẹn gặp bà. Bà đã không tới được nơi hẹn do bị công an ngăn trở. Sau đó phái đoàn đã phải đến tư gia của bà để gặp. Thế rồi, vào ngày 14-04, bà bị công an cưỡng bức tới trụ sở phường Hoa Lư (nơi gia đình bà cư trú) để truy hỏi về cuộc gặp đó. Tại đây, nhiều viên chức địa phương đánh đập bà và mang về bỏ trước cổng. Nhưng dù còn bị thương tổn và yếu nhược sau lần bị hành hung đó, vào ngày 11-05, bà vẫn vẫn bị ép đi “làm việc” (bị thẩm vấn và khủng bố) liên tục nhiều lần cho đến gần cuối tháng

- Ngày 31-07, Mục sư Phạm Ngọc Thạch thuộc Giáo hội Tin lành Mennonite, một nhà hoạt động xã hội thường xuyên làm việc thiện nguyện ở Đắc Lắc cho đồng bào thiểu số, bị công an cửa khẩu Tân Sơn Nhất cấm xuất cảnh và tịch thu hộ chiếu bất hợp pháp. Đó là vì ông dự tính đi Singapore rồi sau đó sang Đông Timor tham dự Hội nghị của các tổ chức xã hội dân sự ASEAN về tự do tôn giáo nhóm họp vào đầu tháng 8.

- Mục sư Nguyễn Mạnh Hùng, hiện ở Sài Gòn, thành viên Hội đồng LT, vào những ngày cuối tuần, thường xuyên bị an ninh lập chốt canh gác tại cổng chung cư nơi ông đang ở. Họ hành xử như côn đồ, xô đẩy xe không cho Mục sư ra khỏi nhà, có khi chỉ tay vào tận mặt ông và dùng những lời lẽ thô tục sỉ nhục, hăm dọa tính mạng ông.

c- Đối với Giáo hội Cao đài

- Thánh thất Tuy An, tỉnh Phú Yên đã bị nhà cầm quyền CSVN triệt hạ, san bằng vào ngày 14-04-2015, nhưng đến nay công an vẫn luôn giám sát, theo dõi và thường xuyên hù dọa, khủng bố tinh thần những tín đồ Cao đài độc lập phản đối vụ này. Cụ thể vào ngày 18-08-2016, ông Phạm Long, trưởng thôn Mỹ Phú 1, xã An Cư, huyện Tuy An, kết hợp với ông Thành, ông Phong thuộc Mặt trận Tổ quốc tỉnh Phú Yên, đến nhà cựu chánh trị sự Đoàn Văn Thọ để tra hỏi, áp lực ông và đồng đạo chấp nhận việc làm vô luật của nhà cầm quyền.

- Ngày 28-09-2015, công an an ninh sân bay Tân Sơn Nhất đã tịch thu hộ chiếu của chánh trị sự Hứa Phi, không cho ông đi dự Hội nghị Tự do Tôn giáo tại Thái Lan tổ chức hôm sau, 29-09. Cho tới nay, hộ chiếu này của ông vẫn không được trả lại. 

- Trong những tháng gần đây, công an bộ kết hợp với một số công an các tỉnh miền Trung đã đi đến từng nhà tín đồ không theo Cao Đài quốc doanh (do Cộng sản thành lập và chi phối), để tra hỏi, khủng bố tinh thần của họ. 

- Các chánh trị sự Hứa Phi, Nguyễn Kim Lân, Nguyễn Bạch Phụng –kể từ khi tham gia Hội đồng Liên tôn VN– thường xuyên bị công an giám sát, theo dõi mọi sinh hoạt hằng ngày. Nếu cần, chúng đóng chốt canh giữ, ngăn cản không cho họ đi lại.

d- Đối với Giáo hội Phật giáo Thống nhất

- Hòa thượng Thích Quảng Độ, Tăng thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, tiếp tục bị quản chế tại Thanh Minh Thiền viện Sài Gòn từ mấy chục năm qua. Nhiều thành viên của Giáo hội này như Hòa thượng Viện trưởng Viện Hóa đạo Thích Thanh Quang ở chùa Giác Minh (Đà Nẵng) và Đạo hữu Lê Công Cầu, Tổng Thư ký của Viện ở Thừa Thiên-Huế cũng gặp nhiều khó khăn, đàn áp từ phía nhà cầm quyền. Trong một cuộc phỏng vấn trên đài Á châu Tự do ngày 19-03-2016, ông Lê Công Cầu cho biết mình đã bị công an Huế ra lệnh trục xuất khỏi nơi cư trú (nhà ông ở trọ đã 13 năm) và khỏi địa phương (phường Trường An thành phố Huế). 

- Một nạn nhân nổi bật nữa là chùa Liên Trì của Hòa thượng Thích Không Tánh thuộc Tăng đoàn Giáo hội PGVN Thống nhất. Hiện diện tại Thủ Thiêm, quận 2 thành phố Sài Gòn, từ hơn 70 năm qua, nay chùa bị nhiều áp lực phải di dời để nhường đất lại cho nhà cầm quyền địa phương bán cho các công ty kinh doanh nhà ở trên khu đô thị mới. Mục tiêu của việc cưỡng chế này –ngoài lợi nhuận kếch sù từ mảnh đất vàng– còn là xóa sổ một cơ sở văn hóa và từ thiện Phật giáo, mà đồng thời cũng là nơi cứu giúp những mảnh đời thương binh bất hạnh của chế độ cũ và nơi sinh hoạt của các tổ chức xã hội dân sự độc lập mà nhà cầm quyền muốn diệt trừ. 

- Chùa Giác Hoa ở quận Bình Thạnh, SG, và Tổ đình Thập Tháp ở tỉnh Bình Định của Hòa thượng Thích Viên Định cũng như chùa Phước Bửu ở tỉnh Bà Rịa và chùa Liên Trì ở quận 2, SG, thường xuyên bị công an theo dõi, canh gác, cô lập, nhằm làm cho Phật tử không dám đến. Trong lễ Vu lan Báo hiếu rằm tháng 7 âm lịch vừa qua, chùa An Cư ở Đà Nẵng cũng bị an ninh đóng chốt, phong tỏa cả trước và sau chùa, mục đích ngăn cản tín đồ tới dự lễ.

e- Đối với Giáo hội Công giáo

- Ngày 10-06-2016, nhà cầm quyền tỉnh Thừa Thiên-Huế đã gửi thông báo đến Đan viện Thiên An với nội dung sẽ tiến hành “khôi phục, tăng dày và cắm mốc ranh giới Đan viện”. Đó là vì vào năm 2002, họ đã đóng cột mốc ranh giới theo Quyết định của Tổng Thanh tra Nhà nước. Quyết định này cướp lấy gần 100/107 hecta đất mà Đan viện sở hữu từ 1940. Đan viện đã bất hợp tác. Ngày 20-06-2016, khoảng 200 công an, cán bộ, thường dân, côn đồ đã đem xe ủi đất đến Đan viện, xông vào nội vi để phá hoại việc các đan sĩ xây dựng con đường trong khuôn viên của họ. Nhà cầm quyền lấy cớ rằng Đan viện “lấn chiếm đất trái phép” đất của nhà nước.

- Ngày 16-06-2016, khu nhà số 5 trên đường Hai Bà Trưng-Quang Trung, thành phố Hà Nội (rộng 200m2) của các nữ tu dòng Thánh Phao-lô bị một tư nhân bắt đầu đập phá để xây mới. Khu nhà này (một phần trong toàn bộ cơ ngơi của dòng) đã bị nhà nước lấy năm 1954 cho cán bộ ở. Nhiều lần các nữ tu đã yêu cầu trả lại nhưng không được. Gần đây, các cán bộ ấy đem khu nhà bán cho một tư nhân. Với ý đồ vĩnh viễn chiếm đoạt nó, người này quyết tâm xây dựng mới dưới sự bảo kê của công an và bảo vệ của một số cựu chiến binh lẫn côn đồ. Ngày 28-7, sau khi bị dòng Thánh Phao-lô và công luận trong lẫn ngoài nước cực lực phản đối, nhà cầm quyền địa phương (quận Hoàn Kiếm) đã yêu cầu chủ nhân mới tạm thời ngưng xây dựng. Nhưng đó chỉ là chiến thuật câu giờ để sẽ tiếp tục việc cướp đất khi công luận lắng dịu.

- Khoảng 4g30 sáng ngày 14-8/2016, nhà riêng của linh mục Phan Văn Lợi ở thành phố Huế đã bị công an chìm tấn công chớp nhoáng bằng gạch đá và chất bẩn rồi rú xe máy bỏ chạy. Đây là lần thứ hai họ dùng trò tiểu nhân này (lần trước vào 22-07-2015). Chưa đầy 24 tiếng sau, lại thêm một trò khủng bố khác: công an đổ keo 502 vào ổ khóa cổng nhà của linh mục, khiến gia đình phải dùng cưa sắt để có thể mở cổng. Đây cũng là lần thứ hai trong năm công an muốn nhốt chặt thành viên Hội đồng Liên tôn này (lần trước vào ngày 01-01-2016). 

Từ những sự kiện trên, Hội đồng Liên tôn Việt Nam khẳng định:

1- Nhà cầm quyền CSVN không ngớt duy trì chủ trương tiêu diệt tự do tôn giáo, dù bên ngoài có những biểu hiện xem ra tôn trọng tự do này, như nhiều nơi thờ phượng và sinh hoạt được xây dựng, nhiều lễ hội tôn giáo được tổ chức, nhiều chức sắc và tín đồ được xuất ngoại. Thế nhưng những điều thuận lợi này chỉ được ban cho những ai không có “vấn đề” với chế độ.
2- Luật Tín ngưỡng tôn giáo sắp ban hành cần phải bị hủy bỏ, vì đó là công cụ pháp lý nô lệ hóa và công cụ hóa các giáo hội. Các giáo hội là những tổ chức xã hội dân sự và các tín đồ là những công dân, nên chỉ bị chi phối bởi các luật lệ chính đáng dành chung cho công dân và xã hội dân sự. 

3- Các giáo hội cần liên kết với nhau hơn nữa, không những để đương đầu với những cuộc bách hại tôn giáo mà còn để cùng toàn dân giải quyết những vấn nạn và khủng hoảng của xã hội hôm nay, như nạn ô nhiễm môi trường sống, nạn đảng viên cán bộ tham nhũng, nạn công an ngược đãi người dân, nạn bạo lực và dối trá tung hoành… nhất là nạn ngoại bang lăm le thôn tính đất nước. 

4- Các cuộc xuống đường biểu tình của Giáo phận Vinh nhằm phản đối Formosa, đòi lại biển sạch, hỗ trợ ngư dân, ngăn ngừa Tàu cộng chiếm Đông hải… rất đáng được toàn dân ủng hộ và đáng được các cộng đồng tôn giáo noi theo. Bởi lẽ lúc này đây, nhân dân nhìn vào các giáo hội (là những tổ chức xã hội dân sự duy nhất có lực lượng, có tổ chức, có uy tín, có lòng thành) như một niềm hy vọng cho tương lai dân tộc.

Làm tại Việt Nam ngày 30 tháng 8 năm 2016

Các chức sắc trong Hội đồng Liên tôn Việt Nam đồng ký tên.

Cao đài:
- Chánh trị sự Hứa Phi (điện thoại: 0163.3273.240)
- Chánh trị sự Nguyễn Kim Lân (điện thoại: 0988.971.117)
- Chánh trị sự Nguyễn Bạch Phụng (điện thoại: 0988.477.719)
Công giáo:
- Linh mục Phê-rô Phan Văn Lợi (điện thoại: 0984.236.371)
- Linh mục Giu-se Đinh Hữu Thoại (điện thoại: 0935.569.205)
- Linh mục An-tôn Lê Ngọc Thanh (điện thoại: 0993.598.820)
- Linh mục Phao-lô Lê Xuân Lộc (điện thoại: 0122.596.9335)
- Linh mục Giu-se Nguyễn Công Bình (điện thoại: 01692498463)
Phật giáo:
- Hòa thượng Thích Không Tánh (điện thoại: 0165.6789.881)
- Thượng tọa Thích Viên Hỷ (điện thoại: 0937.777.312)
- Thượng tọa Thích Đồng Minh (điện thoại: 0933.738.591)
Phật giáo Hoà hảo:
- Ông Nguyễn Văn Điền (điện thoại: 0122.870.7160)
- Ông Lê Quang Hiển (điện thoại: 0167.292.1234)
- Ông Lê Văn Sóc (điện thoại: 096.4199.039)
- Ông Phan Tấn Hòa (điện thoại: 0162.6301.082)
- Ông Tống Văn Chính (điện thoại: 0163.574.5430)
- Ông Bùi Văn Luốc (điện thoại: 0169.612.9094)
- Ông Hà Văn Duy Hồ (điện thoại 012.33.77.29.29).
- Ông Trần Văn Quang (điện thoại 0169.303.22.77)
Tin lành:
- Mục sư Nguyễn Hoàng Hoa (điện thoại: 0121.9460.045)
- Mục sư Đinh Uỷ (điện thoại: 0163.5847.464)
- Mục sư Đinh Thanh Trường (điện thoại: 0120.2352.348)
- Mục sư Nguyễn Trung Tôn (điện thoại: 0162.838.7716)
- Mục sư Nguyễn Mạnh Hùng (điện thoại: 0906.342.908)
- Mục sư Lê Quang Du (điện thoại: 0121.2002.001)

No comments:

Post a Comment