Dự thảo luật về hội là một khung pháp lý, do Bộ nội vụ lần đầu tiên công bố vào tháng 6/2015 để ‘lấy ý kiến rộng rãi’, sau khi đã công bố dự thảo Luật Tín ngưỡng Tôn giáo và tháng 5/2015.
Tuy nhiên, rất trùng hợp với dự luật Tín ngưỡng Tôn giáo, nội hàm của dự luật về hội đầy rẫy cơ chế ‘xin – cho’, phản ánh một não trạng làm luật đối phó tình thế, không khác biệt so với vài chục năm trước.
Ngay sau khi dự luật về hội phát hành, các tổ chức xã hội dân sự độc lập ở VN đã đồng ra tuyên bố phản ứng, khẳng định đây là một văn bản không minh bạch, và có tính chất phân biệt đối xử giữa các hội đoàn nhà nước với xã hội dân sự. Theo đó, dự luật về hội không những không bảo đảm quyền tự do lập hội của công dân như đã được minh định trong các hiến pháp 1992 và 2013, mà với những quy định vô lý và độc đoán trong dự luật này, sẽ không một tổ chức xã hội dân sự độc lập nào có đủ điều kiện để ‘đăng ký’ thành lập.
Trong khi đó, Xã hội dân sự ở VN là mô hình mà các chính phủ Mỹ và Tây Âu đã công khai tuyên bố ủng hộ nhiệt thành từ năm 2013, đồng thời gắn mô hình này với ‘những cải thiện nhân quyền có thể chứng minh được’ đối với Nhà nước VN.
Chỉ sau chuyến công du được coi là ‘lịch sử’ và ‘thành công’ của người đứng đầu đảng Nguyễn Phú Trọng đến Washington, và chỉ đến gần đây, mới le lói một vài tín hiệu cho thấy các cơ quan chuyên trách của VN bắt đầu cởi nới hơn đôi chút đối với những nội dung siết đóng trong dự luật về hội, tương ứng với những lợi ích có thể nhận được về TPP, vũ khí sát thương…
Hội đồng Tư vấn các dự án luật, pháp lệnh triển khai thi hành Hiến pháp 2013 – một cơ quan then chốt về soạn thảo luật – vào giữa tháng 8/2015 đã có một số đề nghị với Chính phủ về dự thảo luật về hội mà Bộ Nội vụ đang xây dựng.
Theo cơ quan này, dự luật về hội nên ghi nhận quyền lập hội của công dân, theo tinh thần bảo đảm quyền tự quyết, tự quản, tự chủ, tự chịu trách nhiệm của hội, thay vì quá tập trung vào mục tiêu quản lý nhà nước với hội.
Cũng theo Hội đồng Tư vấn, Nhà nước không nên can thiệp vào công tác nhân sự của các hội, bằng cơ chế công nhận và bãi nhiệm chức danh người đứng đầu. Thay vào đó, Nhà nước nên tôn trọng kết quả bầu cử ban lãnh đạo do chính thành viên tổ chức xã hội quyết định. Hội chỉ cần báo cáo kết quả bầu cử cho cơ quan nhà nước để các cơ quan này có thông tin thực hiện quản lý nhà nước.
Về việc hình thành các hội, nhóm tự phát, hoạt động mang tính nội bộ thời gian qua là vận động tự nhiên của xã hội. Theo Hội đồng Tư vấn, loại hội tự phát này khá nhiều, đa dạng, trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Dự luật về hội không nên đặt vấn đề quản lý nhà nước đối với việc hình thành loại hội này. Nên có quy định mang tính nguyên tắc, để tạo khuôn khổ các hội tự phát hoạt động theo pháp luật. Nhà nước chỉ can thiệp khi có vi phạm pháp luật.
Hội đồng Tư vấn cũng đề nghị giảm bớt thủ tục, điều kiện lập hội nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho công dân thực hiện quyền hiến định. Nhà nước không can thiệp vào hoạt động mang tính nội bộ của hội, mà chỉ thực hiện chức năng quản lý nhà nước, phát hiện và xét xử các vi phạm pháp luật.
Với tinh thần đó, dự luật nên phân loại hội, có loại trình tư,̣ thủ tục thành lập, đăng ký đơn giản. Chỉ những hội mà Nhà nước hỗ trợ kinh phí, được giao một số nhiệm vụ quản lý nhà nước… thì việc thành lập, đăng ký hoạt động mới phải qua thủ tục phức tạp, chặt chẽ hơn.
Gần đây, cũng đã có tín hiệu dự luật Tín ngưỡng Tôn giáo được cởi nới hơn, sau khi dự thảo lần thứ 4 của dự luật này bị giới tôn giáo phản ứng mạnh mẽ.
Tuy nhiên, phần trên mới chỉ là đề nghị từ một số quan chức và cơ quan tư vấn. Để đo đếm được lòng ‘thành tâm’ của chính quyền, cần phải chờ Quốc hội ‘gút’ hai dự luật về hội và tín ngưỡng, tôn giáo theo cung cách như thế nào.
Theo Lê Dung / SBTN
No comments:
Post a Comment