Monday, January 13, 2014

Vận động cho nhân quyền VN trước cuộc kiểm điểm UPR của Hà Nội

Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, Giám đốc điều hành BPSOS, người đứng đầu ban vận động Chiến dịch xóa bỏ tra tấn ở Việt Nam’ và ‘Chiến dịch Đòi tự do cho tù nhân lương tâm Việt Nam'.Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, Giám đốc điều hành BPSOS, người đứng đầu ban vận động Chiến dịch xóa bỏ tra tấn ở Việt Nam’ và ‘Chiến dịch Đòi tự do cho tù nhân lương tâm Việt Nam'.

Các chiến dịch vận động nhân quyền Việt Nam được tiến hành ráo riết tại Mỹ trước cuộc Kiểm điểm Nhân quyền Định kỳ Phổ quát (UPR) của Hà Nội ở Liên hiệp quốc.

Hai cuộc vận động mang tên ‘Chiến dịch xóa bỏ tra tấn ở Việt Nam’ và ‘Chiến dịch Đòi tự do cho tù nhân lương tâm Việt Nam’ được Ủy ban Cứu người Vượt biển BPSOS phối hợp với các tổ chức bảo vệ nhân quyền đồng loạt phát động, với cao điểm là cuộc điều trần của thân mẫu nhà hoạt động đang bị giam cầm Đỗ Thị Minh Hạnh tại trụ sở Quốc hội Hoa Kỳ ngày 16/1.

Bà Trần Thị Ngọc Minh sẽ cùng với thân nhân các tù nhân lương tâm khác trên thế giới điều trần trước Ủy hội Nhân quyền Tom Lantos lúc 10 giờ sáng thứ năm tuần này về thực trạng bị giam cầm, tra tấn của các nhà bất đồng chính kiến.

Đây là các nỗ lực mới nhất kêu gọ cho nhân quyền Việt Nam trước khi Hà Nội báo cáo thành tích nhân quyền lần thứ nhì theo thể thức UPR bốn năm một lần tại Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc vào ngày 5/2 tới đây.

Trong cuộc trao đổi với VOA Việt ngữ, người đứng đầu ban vận động, Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, Giám đốc điều hành BPSOS cho biết thêm chi tiết về các chiến dịch này:

Tiến sĩ Thắng: ‘Chiến dịch xóa bỏ tra tấn ở Việt Nam’ được phát động tại Mỹ, trên toàn thế giới, và ngay tại Việt Nam với sự tham gia của các tổ chức, cá nhân có uy tín trong và ngoài nước, của người Việt cũng như của quốc tế.

VOA: Với phạm vi phát động rộng như vậy, xin ông cho biết nội dung hoạt động của chiến dịch và cách vận hành như thế nào?

Tiến sĩ Thắng: Nội dung của chiến dịch là vận động quốc tế đặc biệt trong hoàn cảnh Việt Nam sắp ra kiểm điểm định kỳ về nhân quyền UPR tại Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc. Vấn đề tra tấn ở Việt Nam hiện nay rất phổ cập. Đó là mối quan tâm lớn của chính phủ Hoa Kỳ, Liên hiệp quốc, và nhiều quốc gia tự do dân chủ khác. Chúng tôi huy động sự tham gia của quần chúng và các tổ chức xã hội dân sự đang hình thành trong nước đóng vai trò theo dõi, báo cáo các vi phạm về vấn đề tra tấn. Chúng tôi hy vọng sẽ áp lực Việt Nam ban hành luật để áp dụng vào thực tế Công ước Chống tra tấn mà Việt Nam vừa ký kết, chẳng hạn như có biện pháp trừng trị những kẻ tra tấn và bồi thường cho nạn nhân.

VOA: Các cá nhân, tổ chức trong nước theo dõi và báo cáo tình hình nhân quyền tại Việt Nam. Bước tiếp theo, trên phạm vi quốc tế, chiến dịch sẽ vận động đến các cơ quan nào cụ thể?

Tiến sĩ Thắng: Liên hiệp quốc có một báo cáo viên đặc biệt về vấn đề tra tấn. Một khi có các báo cáo, vấn đề sẽ được xem xét xem đúng là có tình trạng tra tấn hay không, và vị báo cáo viên này sẽ liên lạc với Việt Nam để phối kiểm, đặt vấn đề với chính quyền Hà Nội. Bộ Ngoại giao Mỹ và chính phủ Hoa Kỳ nói chung rất quan tâm đến nạn tra tấn đang diễn ra tại Việt Nam. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng phối hợp với các tổ chức quốc tế chuyên về chống tra tấn để theo dõi, xóa bỏ tình trạng tra tấn ở Việt Nam.

VOA: Các trọng tâm thường thấy trong công cuộc vận động nhân quyền Việt Nam lâu nay là vận động phóng thích tù nhân lương tâm hay lên án các vi phạm nhân quyền. Vấn đề chống tra tấn giờ đây trở nên nổi bật phải chăng vì Việt Nam vừa ký Công ứơc Chống tra tấn với Liên hiệp quốc, hay có một yếu tố quan trọng nào khác để đây trở thành một điểm nhấn trong chiến dịch hiện tại?

Tiến sĩ Thắng: Việt Nam trong nhiều năm hứa hẹn với quốc tế, đặc biệt với Mỹ, rằng sẽ ký vào Công ước Chống tra tấn vì tra tấn là một hình thức vi phạm nhân quyền trầm trọng nhất trong tất cả các hình thức khác. Hoa Kỳ đã tập trung vào lĩnh vực này trong nhiều năm. Khi ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc, Việt Nam muốn chứng tỏ thiện chí bằng cách ký vào bản Công ước mà họ đã hứa hẹn từ nhiều năm. Đây là một cơ hội để chúng ta phát động một chíên dịch dài hạn và rộng khắp để xóa bỏ tận gốc rễ nạn tra tấn ở Việt Nam.

VOA: Song song với ‘Chiến dịch xóa bỏ tra tấn ở Việt Nam’, BPSOS cũng phát động và tiến hành ‘Chiến dịch Đòi phóng thích tù nhân lương tâm’ với cuộc điều trần ngày 16/1 tại Ủy hội Nhân quyền Tom Lantos, Quốc hội Mỹ. Trong số các nhân chứng ra điều trần sắp tới có mẹ của nhà hoạt động Đỗ Thị Minh Hạnh. Vì sao trường hợp của cô Hạnh được chú ý trong dịp này mà không phải là một nhân vật bất đồng chính kiến nào khác?

Tiến sĩ Thắng: Chúng tôi chọn lọc khá kỹ lưỡng. Trường hợp cô Hạnh là giao điểm của ba chiến dịch mà chúng tôi đang tiến hành. Thứ nhất, về chống tra tấn, cô Hạnh là nạn nhân bị tra tấn rất trầm trọng trong tù.

Thứ hai, cô là một tù nhân lương tâm, phù hợp với chiến dịch của chúng tôi đòi trả tự do cho tất cả tù nhân lương tâm tại Việt Nam. Thứ ba, chúng tôi vận động gắn kết điều kiện nhân quyền vào thương ước Hợp tác Kinh tế Xuyên Thái Bình Dương TPP giữa Mỹ với Việt Nam, trong đó quyền của người lao động là một trong những vấn đề rất nổi bật mà chúng tôi đang muốn thúc đẩy. Cô Hạnh vì đấu tranh cho quyền của người lao động trong nước mà bị đi tù với bản án rất nặng.

Vận động cho nhân quyền VN trước cuộc kiểm điểm UPR của Hà Nội

0:00:00

X

VOA: Khác với những lần điều trần trước chỉ xoay quanh riêng vấn đề của Việt Nam, lần này nói về vấn đề tù nhân lương tâm quốc tế với các nhân vật ra điều trần là thân nhân của nhiều tù nhân lương tâm tại nhiều nước khác nhau trên thế giới. Điểm nổi bật này có sức mạnh thế nào so với các cuộc điều trần riêng về vấn đề Việt Nam trước nay?

Tiến sĩ Thắng: Ủy hội Nhân quyền Tom Lantos cố gắng đẩy phong trào tranh đấu cho tù nhân lương tâm trên quy mô toàn thế giới và ở Quốc hội Hoa Kỳ, huy động các dân biểu và thượng nghị sĩ tham gia vì vấn đề tù nhân lương tâm là mấu chốt để thay đổi tình trạng vi phạm nhân quyền trên thế giới. Đây là khởi đầu của năm 2014 để lôi kéo sự quan tâm, chú ý, và nhập cuộc của tất cả các dân cử liên bang Hoa Kỳ, Bộ Ngoại giao Mỹ, và tất cả các tổ chức nhân quyền lớn nhỏ trên thế giới và tại Mỹ.

VOA: Là người trong ban vận động, ông kỳ vọng hiệu quả tức thì ngay sau cuộc điều trần lần này sẽ như thế nào?

Tiến sĩ Thắng: Hiệu quả tức thì là tạo nên ý thức trong tất cả những người tham dự và rộng hơn về tình trạng nhân quyền, đặc biệt là tình trạng của những người đã đứng ra để đấu tranh nhân quyền cho người khác. Thứ hai, sẽ có những hành động cụ thể để giải cứu, đòi tự do cho những tù nhân lương tâm như ở Việt Nam.

VOA: Kế hoạch vận động tiếp nối, cho đến kỳ kiểm điểm nhân quyền phổ quát UPR của Việt Nam, sẽ như thế nào?

Tiến sĩ Thắng: Bước tiếp theo, chúng tôi sẽ phổ biến bản phúc trình được nghiên cứu từ 2 năm nay với những chi tiết, thông tin, dữ kiện rất chi li, có phối kiểm về tình trạng tra tấn ở Việt Nam. Tài liệu này sẽ được sử dụng làm căn bản để tranh đấu đòi Việt Nam phải thay đổi chính sách, luật lệ để chấm dứt nạn tra tấn. Trong phúc trình này có từng mốc điểm một chúng tôi đưa ra yêu cầu Việt Nam từng bước thực hiện với sự chú ý của quốc tế và sự kiểm soát, theo dõi, và báo cáo của chính người dân trong nước.

VOA: Xin chân thành cảm ơn ông về thời gian dành cho cuộc nói chuyện này.


Trà Mi-VOA

No comments:

Post a Comment