Monday, November 18, 2013

  Nhớ Sài Gòn, nhớ… càphê

  Lần đầu tôi "chạm mặt" Sài Gòn là một ngày mùa hè hơn mười năm về trước. Đó là hành trình đi dọc đất nước từ Hà Nội tới Sài Gòn, bằng xe lửa. Tôi vẫn còn nhớ nguyên cảm giác ngồi ghế cứng mỏi đến ê ẩm người trên chuyến tàu đằng đẵng gần hai ngày đêm. Trước đó, tất nhiên, tôi chỉ biết đến Sài Gòn qua sách vở, phim ảnh, hay những lời kể…

 

 

Chuyến đi đầu tiên đó, tôi đi một mình, như một kiểu du lịch bụi. Ngày đó, ở Sài Gòn tôi không có họ hàng, bạn bè thì có… mỗi một người. Người quen duy nhất đó là một nhà thơ trẻ mà chúng tôi mới chỉ gặp nhau… trên điện thoại, biết nhau qua những bài thơ trên báo. Bạn đón tôi ở ga Hoà Hưng. Không hiểu sao, và tự trách mình; sau này nhiều lần đi Sài Gòn (bằng máy bay), tôi cũng chưa từng trở lại nơi bước xuống đầu tiên ấy. Tôi vẫn còn giữ tấm ảnh lưu niệm chụp ở ga Hoà Hưng với chiếc đầu tàu; chẳng biết bây giờ nhà ga như thế nào, chiếc đầu tàu ấy còn hay không? Về sau có nghe nói nhiều về chuyện quy hoạch lại hệ thống đường sắt và nhà ga thành phố; luân chuyển, di dời…; tôi không biết và không để ý số phận ga Hoà Hưng như thế nào, bởi ngoài một lần khác tới Sài Gòn bằng ôtô từ thành phố cao nguyên Đà Lạt, thì những lần còn lại tôi đều xuống phi trường Tân Sơn Nhất.

 

Nhưng cái cảm giác khi tàu vào ga, kết thúc hành trình dài đằng đẵng; cảm giác đặt bước chân đầu tiên xuống đất Sài Gòn như vẫn còn vẹn nguyên. Cái gì đầu tiên cũng nhớ, cũng in sâu đậm trong ký ức, cũng trở thành kỷ niệm không phai…

 

2. Việc đầu tiên khi tới Sài Gòn là mua một tấm bản đồ thành phố. Tấm bản đồ ngày ấy tôi vẫn giữ và việc mua bản đồ trở thành thói quen khi lần đầu bước chân tới bất cứ tỉnh thành, vùng miền nào. Nhìn trên bản đồ, Sài Gòn là thành phố của sông ngòi, kênh rạch với cơ man là cầu với cầu. Lúc ấy, lại nhớ câu hát của nhạc sĩ họ Trịnh: "Nhớ đường dài qua cầu lại nối, nhớ những con sông nối bao dòng kinh…" Đó là cảm giác đi trên mặt đất. Phải đến khi lần đầu bay trên bầu trời Sài Gòn và hạ cánh xuống Tân Sơn Nhất, tôi mới thực sự kinh ngạc và mê mẩn khi thấy dòng sông Sài Gòn uốn khúc trong lòng thành phố. "Bay" tới Sài Gòn hay "bay" rời Sài Gòn, bằng bất cứ giá nào tôi cũng phải ngồi cạnh cửa sổ, chỉ để lấy vài phút chụp không ảnh khi hạ cánh và cất cánh. Nếu như bay trên bầu trời Hà Nội, trời đẹp, khi cất cánh và hạ cánh cũng có thể nhìn thấy sông Hồng, thì trung tâm thành phố vẫn còn xa; nhưng ở Sài Gòn, là bay ngay trên đầu thành phố, ngay bên trên dòng sông Sài Gòn, nhìn thấy rõ những cây cầu, những con đường, những ngôi nhà… Một Sài Gòn hoa lệ và náo nhiệt ở phía dưới đang chờ đón.

 

Ở Sài Gòn mỗi quán cà phê đều có một phong cách riêng.

 

Tôi có thói quen giữ và dùng đồ cũ. Sài Gòn bây giờ đã khác quá nhiều so với tấm bản đồ mười năm trước. Những quận mới, những đường mới, những cây cầu mới và những công trình mới… nhiều khi làm tôi gặp khó khăn khi tra cứu và tìm đường. Nhưng điều đó lại làm tôi thích thú; cùng với cảm giác về sự trải nghiệm thời gian.

 

3. Những ngày đầu, những lần đầu, Sài Gòn cho tôi nhiều ngỡ ngàng, dù đã biết trước, đã chuẩn bị tinh thần trước. Sài Gòn khác Hà Nội. Nhiều người ví von và coi như đó là một sự tương phản của mới và cũ, của nhanh và chậm, của năng động và bảo thủ, của hiện đại và lạc hậu… Tôi không muốn và không có ý so sánh chuyện hay – dở của vùng miền (điều đó là không nên); nhưng những so sánh trên không phải là không có lý, nhìn trên một góc độ nào đó. Và tất nhiên, điều đó cũng không có nghĩa là cái này tất cả đều hay, và cái kia toàn là dở. Sài Gòn đẹp, Sài Gòn phồn hoa đô hội, Sài Gòn lịch lãm, Sài Gòn là nơi đất lành chim đậu, ôn hoà và bao dung, sẵn lòng đón nhận và chở che. Sài Gòn là bến đỗ của nhiều cuộc dịch chuyển đời người. Dường như ở đó, người ta thấy mình được tự do hơn, thoải mái hơn, được là mình hơn; và cả một lý do rất cụ thể của cuộc sống: ở đây dễ kiếm sống hơn. Đất Sài Gòn, văn hoá Sài Gòn, người Sài Gòn… là một sự hợp lưu, nhưng lại hình thành nên một nét riêng, một chất riêng không thể lẫn. Và kỳ lạ thay, trong cái chung của dòng chảy hợp lưu mang tên Sài Gòn đó, những nét riêng khác vẫn tồn tại vẫn lấp lánh, toả sáng, và không hề có sự mâu thuẫn hay xung đột nào.

 

Một quán cà phê dành cho những người yêu nhạc .

 

Tôi vẫn nhớ một kỷ niệm trong lần thứ hai tới Sài Gòn, cũng lâu rồi. Lần đó tôi có một anh bạn đồng nghiệp người Bắc vào đây làm việc dẫn đi càphê. Lúc đó là mùa đông. Anh dẫn tới quán Gió Bắc gần hồ Con Rùa (chẳng biết quán đó giờ còn không, tôi cũng chưa từng trở lại); bảo rằng: mùa đông ngồi Gió Bắc cho nhớ Hà Nội. Tôi gọi "càphê sữa nóng" (đã biết cách gọi trong này, thay vì "nâu nóng" như ở Hà Nội); người phục vụ nghe không rõ, vì tôi nói nhỏ hay nhạc bật hơi to; nghe thành "sữa nóng" và mang ra như vậy. Tôi thắc mắc về chuyện nhầm lẫn đồ uống, và ngay lập tức được xin lỗi và được đổi thứ mà tôi cần. Anh bạn tôi cười bảo: Thấy Sài Gòn khác chưa? Sài Gòn là như thế đó. Nếu ở Hà Nội là… cãi nhau ngay! Quả thực điều đó làm tôi bất ngờ và… xúc động, không khỏi ngầm so sánh với cách phục vụ, mà cho tới bây giờ vẫn là một vấn đề rất nhiều người mang ra làm câu chuyện càphê vỉa hè nhưng hoàn toàn nghiêm túc.

 

Vài tháng trước, tôi gặp kiến trúc sư TMD ở Hà Nội. Anh là người Hà Nội, nhưng đã sống ở Sài Gòn mấy chục năm. Gặp anh khi anh vừa đi tới một dịch vụ trở về. Vừa gặp, anh đã thở dài, than cái chuyện dịch vụ và thái độ phục vụ ở Hà Nội bao giờ được như Sài Gòn!? Liệu đó có phải là văn hoá; và văn hoá hình như không hẳn là cái gì đó xa vời, hay là những chuyện chữ nghĩa cao siêu?

 

Nơi chủ quán trưng bày và chia sẻ với khách niềm đam mê sưu tầm của mình.

 

4. Sài Gòn khác và đổi mới từng ngày, ngay cả người Sài Gòn cũng thấy vậy. Có người nói rằng lâu lâu không ra phố, đến lúc đi giật mình thấy thêm vài cao ốc, thấy những con đường đã khác xưa. Tôi đã quen Sài Gòn, không còn những bỡ ngỡ của mười năm trước, nhưng vài tháng gặp lại Sài Gòn là khoảng thời gian đủ dài để lại có những bỡ ngỡ theo một cách khác với những đổi thay. Đã có trong tôi những cảm nhận nuối tiếc và buồn thay vì sự thích thú, thán phục, mê đắm của ngày trước. Vẫn biết rằng cuộc sống không dừng lại và không có gì là bất biến, nhưng nỗi buồn vẫn là nỗi buồn. Hoài niệm là tình cảm, là tâm trạng của rất nhiều người, chẳng phải của riêng tôi, huống hồ tôi chỉ mới có mười năm ký ức.

 

Dẫu vậy, nhớ Sài Gòn là cảm giác thường trực trong tôi. Nếu hỏi nhớ nhất điều gì hay cái gì thì cũng thật khó trả lời; bởi mỗi lúc, mỗi thời điểm, mỗi tâm trạng lại gợi đến những nỗi nhớ, những cảm xúc khác nhau. Và mỗi lần "gặp" Sài Gòn cũng đem lại những cảm xúc khác nhau, những suy nghĩ khác nhau. Sài Gòn t rong tôi, vừa quen – vừa lạ; vừa cũ – vừa mới. Có những khi nỗi nhớ trỗi dậy cồn cào mà tự mình cũng không biết tại sao. Có những khi muốn đi mà lại kìm lòng mình lại, để nhớ nhiều hơn, để yêu nhiều hơn; bởi hình như cái gì nhiều quá cũng dễ chán, làm người ta mệt mỏi. Sự lưng chừng, chấp chới, dang dở lại có thể là đẹp và ý nghĩa nhiều hơn?!

 

Có những lần tôi đi Sài Gòn chẳng vì một lý do gì cụ thể, hoặc vì một lý do… nhỏ xíu; theo như cách nghĩ thông thường là không cần thiết. Bạn bè hỏi đi công tác, hay có việc gì? Tôi cười và trả lời: Vô Sài Gòn chỉ để uống càphê thôi, nhớ càphê Sài Gòn. Thực ra, cũng chẳng phải là không đúng!

 

Thân chuyển

Phương Nguyên

No comments:

Post a Comment